TS Nguyễn Tiến Đông - Trưởng phòng nghiên cứu khảo cổ học đô thị (Viện khảo cổ học Việt Nam) phản ánh, dịp cuối tháng 4 ông đi thăm di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) và rất ngạc nhiên, bất bình khi thấy các tháp Chăm ở đây được khai quật, trùng tu sai cách.
Theo ông Đông, khu di tích Mỹ Sơn tập hợp nhiều tháp Chăm từ thế kỷ 8 đến 15, được người Pháp chia thành các nhóm tháp từ A đến N.
Nhóm tháp A, H, K bị sập đổ do chiến tranh nên không còn nguyên vẹn, còn vài mảng tường tháp. Các nhóm tháp này đang được chuyên gia Ấn Độ trùng tu theo biên bản ký kết giữa Chính phủ hai nước.
Ông Đông cho rằng, nguyên tắc trùng tu di tích có nhiều song thông thường là khai quật, giữ các hiện vật để dùng trở lại cho di tích mà không làm mới. Tuy nhiên, quan sát hiện trường khu vực khai quật tại Mỹ Sơn, ông Đông nhận thấy chuyên gia Ấn Độ mới khai quật một năm và khai quật đến đâu trùng tu đến đó. "Đúng ra cần có nghiên cứu sau khi khai quật", ông nói.
Tại các tháp A, K, H, diện tích khai quật lên đến hàng nghìn m2, các hố không có dây căng, bên trong nham nhở, hiện vật vương vãi ngổn ngang khắp nơi. Các tầng văn hóa được xây dựng thế kỷ 12-13 đến nay đã bị bóc gỡ, lớp trầm tích bị hắt ra ngoài, bị bóc hết bỏ ra ngoài.
"Tôi nhìn vào thấy sự cẩu thả, chuyên môn kém, khai quật khảo cổ không được phép làm như vậy", TS Đông nói.
Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) đang được chuyên gia Ấn Độ trung tu
Ông Đông cho rằng, với cách khai quật trên, các hiện vật có giá trị nghiên cứu sẽ mất đi, thế hệ sau này không biết các tầng văn hóa qua mấy thế kỷ thế nào. Ngoài ra, cách khai quật đó có thể khiến tháp nguy cơ sập đổ trong mùa mưa. "Nếu chưa có giải pháp hữu hiệu thì chúng ta chưa nên khai quật sâu, cứ để di tích nằm trong lòng đất", ông Đông nói.
Ngoài ra, theo ông Đông, tại khu vực trùng tu tháp K, H, chuyên gia Ấn Đô đang sử dụng toàn bộ gạch mới, gạch được cắt vuông để lát sân, lát bậc cấp đi vào tháp. Việc này làm sai lệch tính nguyên gốc và tính nguyên vẹn của di tích. Trong khi đó, lẽ ra những viên gạch lấy từ di tích cần được dùng lại và phải dùng chất vữa như người Champa từng xây dựng, tuyệt đối không được dùng xi măng như cách đang làm.
"Thông thường với các dự án như thế này, Ban quản lý di tích cần mời chuyên gia khảo cổ trong nước, nhất là những người biết về di tích Champa tham gia", ông Đông nói.
"Tuân theo quy cách trùng tu của UNESCO"
Trước ý kiến nêu trên, ông M.Varadaraj Suresh - kỹ sư bảo tồn (Viện Khảo cổ học Ấn Độ) khẳng định, di tích Mỹ Sơn được trùng tu bằng chất liệu vôi, bột gạch và dầu rái. “Chúng tôi dùng một ít xi măng trộn với vôi làm ở tường bên ngoài tháp K đoạn thoát nước”, vị kỹ sư nói và thông tin đây là di sản văn hóa thế giới nên các chuyên gia tuyệt đối tuân theo quy cách, quy tắc cũng như các tiêu chí trùng tu của UNESCO.
Ông M.Varadaraj Suresh cho biết thêm, tại tháp H trong quá trình khai quật có khoảng 20 cây xay mọc bên trên, có những cây đường kính lên đến 50 cm. Để di chuyển số cây, các chuyên gia phải cho dời gạch trong khu vực tháp ra ngoài để trung tu, chứ không phải đưa gạch lên bỏ vương vãi.
“Chúng tôi chỉ khai quật phần bị phát lộ chứ không can thiệp vào thân tháp H. Số gạch cũ do trải qua thời gian, cấu trúc rời rạc được tháo ra, sau đó cho chất kết dính lắp lại, không sử dụng gạch mới”, chuyên gia Ấn Độ nói.
Tại tháp K, cấu trúc đế tháp đã bị hư hại hoàn toàn, số gạch bị hư hỏng không thể giữ lại được nên chuyên gia Ấn Độ cho loại bỏ, thay gạch mới rồi cắt mài cho đúng khuôn khổ. “Các tháp tại Mỹ Sơn rất giống ở Ấn Độ, chúng tôi áp dụng phương pháp khai quật, trùng tu gần giống nhau”, ông M.Varadaraj Suresh nói.
Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam (Trưởng ban điều hành dự án hợp tác Việt Nam - Ấn Độ về bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn) cho biết, trước khi triển khai dự án, trong 3 năm, chuyên gia Ấn Độ đã sang 5 lần khảo sát. Sau đó, chuyên gia lập dự án và vẽ rất chi tiết các công đoạn để khai quật, trùng tu theo bản vẽ này.
Theo ông Cẩm, quá trình thực hiện dự án không có chuyên gia khảo cổ Việt Nam tham gia là do thực hiện theo biên bản ghi nhớ giữa hai nước. Trong văn bản này, phía Ấn Độ chỉ yêu cầu Việt Nam cử ba người, gồm một cán bộ khảo cổ nói tiếng Anh, một kiến trúc sư nói tiếng Anh và một phiên dịch tiếng Anh.
Giải thích việc không căng dây xung quanh khu vực khai quật và trùng tu, ông Cẩm cho hay, việc khai quật đã lộ thiên bốn bức tường gạch bao xung quanh ngôi tháp rất rõ ràng. Tường này đã giới hạn khu vực khai quật với phía bên ngoài nên không cần căng dây bảo vệ.
"Mọi thứ đang thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ và đúng sự thỏa thuận giữa hai bên. Không có chuyện phá di tích Mỹ Sơn”, ông Cẩm nói.
Dự án bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam ký vào năm 2014. Theo đó, việc thực hiện giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam thực hiện. Dự án có tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Ấn Độ tài trợ 50 tỷ đồng (còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam). Việc trùng tu sẽ kéo dài trong 5 năm (2016-2021) đối với khu vực các tháp khu tháp K, H, A. |