Ông Tamoto, cố vấn chính sách về thoát nước và xử lý nước thải của JICA, đánh giá hạ tầng xử lý nước thải và thoát nước của Hà Nội đã được chú trọng cải tiến, song là chưa đủ dưới tác động của biến đổi khí hậu và môi trường. Tổng công suất các nhà máy xử lý nước thải hiện tại ở Hà Nội khoảng 300.000 m3/ngày, chưa đáp ứng với quy mô dân số (8,25 triệu người theo niên giám 2020).
Bên cạnh nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang chuẩn bị vận hành, hầu hết hạ tầng xử lý, thoát nước đều của Hà Nội đều đã cũ, sử dụng các công nghệ truyền thống. Vì vậy, Hà Nội cần thêm các dự án mới, nhất là dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, nhằm tăng cường khả năng xử lý nước thải ở nhiều khu vực.
Theo ông Tamoto, một hệ thống chống ngập hiệu quả là tổng hòa của yếu tố từ hạ tầng đến công nghệ, con người và đòi hỏi nhiều nguồn lực trong thời gian dài. Tokyo từng đối mặt với tình trạng ngập úng giống Hà Nội vào giai đoạn 1960 và được cải thiện dần cho tới ngày nay. Trong khoảng 10 năm từ 2009 đến 2018, Tokyo ước tính bị thiệt hại khoảng 60 tỷ yen do úng ngập.
Nói về thành công của hệ thống thoát nước Tokyo, ông Tamoto cho rằng những công trình này đã được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn, được đúc kết từ công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ. Cho đến nay, việc cải thiện, nâng cấp và bảo trì hệ thống cấp thoát nước vẫn được thực hiện định kỳ.
Đối với Hà Nội, các nguồn lực của thành phố có hạn, vì vậy cần có thứ tự ưu tiên cho các dự án đầu tư, thông qua ứng dụng kiến thức khoa học và nền tảng dữ liệu. Bên cạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thành phố cần sự kết hợp của các biện pháp "mềm" khác. Bởi nhiều lúc, lượng mưa đổ xuống vượt khả năng tiêu thoát nước của thiết kế trong hệ thống. Những giải pháp "mềm" có thể là hướng dẫn người dân đối phó, sơ tán; radar, bản đồ cảnh báo mưa ngập, nguy hiểm.
Ngoài ra, Hà Nội cần có cơ sở dữ liệu đầy đủ, phản ánh chính xác về mức độ úng ngập từng khu vực, mức độ biến thiên, làm cơ sở hoạch định biện pháp chống ngập hiệu quả. "Tôi nghĩ thành phố cần tăng cường đào tạo chuyên gia, nhà nghiên cứu và đưa những đề xuất, giải pháp của họ vào trong chính sách", chuyên gia JICA nói.
Hà Nội cũng có thể nghiên cứu một số biện pháp chống ngập đang áp dụng ở Nhật như xây dựng công trình trữ nước ngầm; mạng lưới ống ngầm thoát nước; radar cảnh báo khu vực ngập úng.
Ý tưởng xây hệ thống trữ nước ngầm cũng có thể được cân nhắc. Giải pháp này không mới, một số thành phố Nhật Bản áp dụng thành công, tuy nhiên kinh phí xây dựng khá lớn.
"Chúng tôi cũng tận dụng việc thấm hút tự nhiên để giải thoát nước mưa trong đô thị, như lát vỉa hè bằng vật liệu thấm hút", ông Tamoto nói.
Từ năm 2002 đến tháng 4/2018, JICA đã triển khai 123 dự án cải thiện hệ thống cấp thoát nước, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, thiết lập hệ thống quản lý môi trường, hỗ trợ phát triển nông thôn, y tế, phát triển nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Ở Hà Nội, từ năm 1995, JICA đã tham gia vào các dự án cải thiện môi trường nước; phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội, trong đó có trạm bơm nước Yên Sở, hệ thống bờ kè sông Tô Lịch, trạm xử lý nước thải khu vực hồ Trúc Bạch và Kim Liên và dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá chuẩn bị đưa vào sử dụng.