Ông Sanjay Kalra - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam vừa có bài viết phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như tiến trình cải cách ngân hàng và xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Theo đó, vị chuyên gia đánh giá cao những động thái sáp nhập một số ngân hàng trong năm 2015 cũng như việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua lại hai nhà băng yếu kém.

Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam muốn Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Sanjay, để một cuộc tái cơ cấu ngân hàng thành công, không thể thiếu nguồn tiền từ ngân sách để tài trợ chi phí cấp vốn bổ sung, giải quyết hậu quả của các nhà băng này. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cải cách ngân hàng thường liên quan đến các nghĩa vụ nợ dự phòng đáng kể mà cuối cùng ngân sách cũng phải gánh chịu. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các ngân hàng thương mại Nhà nước", Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam viết.
Trong khi việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém giúp giải quyết các vấn đề trước mắt, theo ông Sanjay, Chính phủ vẫn cần có một chiến lược toàn diện cụ thể và rõ ràng để tái cơ cấu ngân hàng. Những kế hoạch này cần dựa trên kết quả thanh tra tại chỗ kỹ lưỡng, qua đó cho thấy mức độ nợ xấu thực sự và nhu cầu cấp vốn bổ sung của ngân hàng. "Các kế hoạch này cần phân biệt rõ ngân hàng mất khả năng thanh toán và ngân hàng mất khả năng thanh khoản, buộc các cổ đông hiện tại phải gánh chịu tổn thất trước khi được bơm vốn mới, và xử lý nợ xấu", ông cho biết.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn luôn khẳng định sẽ không dùng tiền ngân sách để xử lý ngân hàng yếu kém. Hồi đầu tháng 4, đại diện Văn phòng Chính phủ từng khẳng định không dùng tiền Nhà nước để mua các nhà băng yếu như Ngân hàng Xây dựng (VNCB). "Nguồn để xử lý chủ yếu là từ vốn huy động trong và ngoài nước. Trong trường hợp phải bỏ tiền ra để mua cổ phần của đơn vị yếu kém thì Ngân hàng Nhà nước sử dụng nguồn vốn của mình theo quy định", đại diện Chính phủ từng khẳng định.
Ngoài những trăn trở về tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, vị chuyên gia của IMF còn thúc giục Việt Nam xử lý nợ xấu, trong đó có việc trao thẩm quyền lớn hơn cho VAMC để giải quyết số nợ đã mua hiện nay. Theo báo cáo của chính VAMC, hiện công ty này đã mua 143.800 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây mới chỉ là hành động "nhốt" nợ xấu vào một chỗ trong khi hành lang pháp lý chưa thực sự mở cho VAMC cũng như các ngân hàng để thu hồi, xử lý khoản các tài sản kém chất lượng này.
Trong bài viết này, đại diện IMF tại Việt Nam cũng nhắc tới đề xuất của Chính phủ cho phép ngân sách vay tiền dự trữ ngoại hối để đầu tư phát triển. Theo ông việc này cần "tuyệt đối tránh". "Việt Nam vẫn cần tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối để đảm bảo có vị thế vững chắc sẵn sàng ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài. Trong trung hạn, tỷ giá linh hoạt hơn sẽ là yếu tố quan trọng giúp hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài và biến động toàn cầu", ông Sanjay cho hay.
Đối với chi ngân sách, theo chuyên gia này, nên tiếp tục thực hiện quá trình giám sát chặt chẽ hiệu quả đầu tư công đã được triển khai từ năm 2011. Quy định hiện nay hạn chế việc Bộ Tài chính chỉ được phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài hơn, theo ông, không phát huy hiệu quả và cần phải được xem xét lại trong bối cảnh thị trường có ít nhu cầu về loại trái phiếu này.
Thanh Thanh Lan