Chiều 2/8, phát biểu tại cuộc toạ đàm về phát triển đô thị Đà Nẵng do Hội Quy hoạch thành phố tổ chức, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu Đà Nẵng tập trung cho ý tưởng làm đô thị sân bay trên địa bàn thì sẽ trở thành địa phương tiên phong phát triển loại hình đô thị chưa có tiền lệ này ở Việt Nam.
Theo ông Sơn, trong kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2045 và tầm nhìn 2050, thành phố đã chủ trương nghiên cứu quy hoạch lại sân bay Đà Nẵng và khu đô thị lân cận theo định hướng đô thị sân bay. "Đây là một chiến lược đúng đắn", ông nói.
Từng đến nhiều đô thị sân bay trên thế giới làm việc, ông Sơn nhận định Đà Nẵng hoàn toàn có tiềm năng làm đô thị sân bay, nhưng trước hết phải thay đổi tư duy "đô thị đến đâu dời sân bay đến đó", hay "quy hoạch sân bay theo quy trình tách biệt với quy hoạch đô thị lân cận".
"Ngộ nhận phổ biến hiện nay là cho rằng sân bay luôn phải cách xa đô thị, do đó khi đô thị hóa lan đến khu vực sân bay thì buộc phải dời sân bay đi xa hơn, lấy quỹ đất đó để phát triển đô thị mới", ông Sơn nói và cho hay nhiều nơi trên thế giới đã khống chế được quy mô và định hướng phát triển đô thị phù hợp với các yêu cầu về an toàn bay, như sân bay Orly (Paris, Pháp), sân bay Logan (Boston, Mỹ).
Dẫn một số nghiên cứu về mô hình đô thị sân bay ở các nước, KTS Sơn cho rằng sân bay không nên cách xa thành phố quá 40 km; do vậy ý kiến đề xuất dời sân bay chính của Đà Nẵng vào Chu Lai (Quảng Nam) là "sai lầm chiến lược" vì nơi này cách Đà Nẵng hơn 100 km.
Trong đề xuất của KST Sơn, đô thị sân bay sẽ bao gồm tổng thể sân bay và khu vực đa chức năng, như một khu đô thị thu nhỏ, nằm trong cũng như ngoài ranh giới sân bay. Ở khu vực phía ngoài ranh giới sân bay, hành khách vẫn có thể check in, lấy vé, gửi hành lý, và đi chơi trong khi chờ chuyến bay khởi hành. Do đó, để quy hoạch và phát triển đô thị sân bay tại Đà Nẵng, trước mắt, các nhà lãnh đạo cần gắn kết chặt chẽ việc quy hoạch sân bay Đà Nẵng với công tác quy hoạch khu đô thị xung quanh.
Ông Hoàng Sừ (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Nam) nhận xét, nếu Đà Nẵng làm đô thị sân bay ở vị trí sân bay quốc tế hiện nay sẽ tiếp tục gây quá tải cho hạ tầng khu vực này vì lượng khách năm 2018 đã là 13 triệu lượt mỗi năm, trong tương lai gần có thể đạt con số 25 triệu lượt khách/năm.
"Theo tôi nên chuyển sân bay Đà Nẵng đi khu vực khác mà vẫn đảm bảo không xa thành phố quá 40 km. Với tầm nhìn và cách ứng xử mới thì hoàn toàn có thể làm được đô thị sân bay. Sân bay Chu Lai quá xa thì thành phố nên nghiên cứu khu vực phía bắc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) là hợp lý", ông Sừ nói.
Phản hồi lại ý kiến này, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói "vấn đề chính là nếu bàn chuyện dời sân bay thì dời đi đâu, hiệu quả nhất là làm sân bay trên biển nhưng Đà Nẵng hiện không đủ tiền cho tham vọng này".
"Đô thị sân bay Đà Nẵng không chỉ giải quyết vấn đề về giao thông hay đô thị, mà còn là vấn đề kinh tế cho thành phố. Ý tưởng này cần phải tính toán kỹ lưỡng", ông Sơn nói.
KTS Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng nhận định, khái niệm đô thị sân bay đã được nhiều nơi trên thế giới áp dụng và "đây là một hướng phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới".