Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đang thảo luận đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Trong số giải pháp đề án đưa ra, có chủ trương thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chủ tịch UBND.
Qua thảo luận tại hội trường, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng đã ủng hộ giải pháp trên, cho rằng qua đó sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, tránh được sự ảnh hưởng từ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy đang được bố trí như thế nào?
Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách, người từng giữ chức vụ Phó bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho hay, Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) được hình thành từ ba nguồn: Trưởng thành tại chỗ, chủ yếu là cán bộ địa phương giữ cương vị Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh và được Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh bầu làm Bí thư; những người luân chuyển từ Trung ương về một số địa phương năm 2014, trúng cử vào Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII và nhân sự do Bộ Chính trị điều động từ nơi khác đến.
Theo ông Vân, gần đây khi một số địa phương "có chuyện" như ở Đà Nẵng, TP HCM... thì Bộ Chính trị đã lần lượt phân công, điều động nhân sự từ Trung ương về. Ông Trương Quang Nghĩa - nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải đi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tuy quê ở Quảng Nam nhưng ông Nghĩa trong giai đoạn 2008-2010 từng luân chuyển đi làm Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng nên am hiểu địa phương này.
Tương tự, ông Nguyễn Thiện Nhân khi đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì được phân công về làm Bí thư Thành ủy TP HCM. "Ông Nguyễn Thiện Nhân là cán bộ trưởng thành ở TP HCM, nhiều năm công tác ở thành phố và tất nhiên là có nhiều trải nghiệm, am hiểu", ông Lê Thanh Vân nói.
Từ bối cảnh chung nêu trên, ông Lê Thanh Vân cho rằng, lần này nếu Trung ương thông qua chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không phải là người địa phương thì sẽ là một sự "thay đổi lớn".
"Tất nhiên chúng ta từng có những lãnh đạo tỉnh là người nơi khác đến, nhưng nhìn chung lâu nay Bí thư cấp tỉnh thường là người địa phương, nếu không thì cũng phải có mối liên hệ nào đó, ví dụ từng đi luân chuyển hoặc trưởng thành từ địa phương để đảm bảo việc nhanh chóng nắm địa bàn. Chúng ta đều biết, người đứng đầu quyết định rất lớn đến cục diện phát triển của một tỉnh thành, vì vậy đây là thay đổi đáng chú ý trong bố trí cán bộ cấp chiến lược", ông Vân phân tích.
Kế thừa kinh nghiệm của Luật hồi tỵ
GS Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, truyền thống quan hệ gia đình, làng xã rất sâu đậm trong văn hóa người Việt. Mặt tích cực của văn hóa này là tình làng nghĩa xóm. Nhưng mặt trái nằm ở chỗ không rành mạch trong quan hệ xã hội, đôi khi quan hệ làng xóm, người thân làm ảnh hưởng đến công việc, vốn cần lấy pháp luật làm nguyên tắc tối thượng.
"Vì vậy, từ xa xưa, cha ông chúng ta đã có giải pháp là đặt ra lệ hồi tỵ. Theo đó, người đứng đầu địa phương không được là người sinh ra, trưởng thành ở nơi đó, để họ tránh các mối quan hệ phức tạp nói trên, tránh đẩy họ vào tình thế khó khăn, mất bà con, bị oán trách bởi gia đình họ tộc làng xã. Nếu bây giờ chúng ta vận dụng kinh nghiệm này vào bố trí cán bộ cũng là sự kế thừa tốt", GS Giang nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, nếu bố trí bí thư, chủ tịch không phải người địa phương sẽ giảm tình trạng tứ "ệ", đặc biệt cái "ệ" thứ nhất là trực hệ, huyết thống mà lâu nay báo chí thường phản ánh là "cả nhà làm quan" ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, theo ông, với ba cái "ệ" còn lại là "tiền tệ, quan hệ, đồ đệ" thì giải pháp trên chưa chắc đã hữu hiệu.
"Luật hồi tỵ trước đây triển khai trong điều kiện thông tin truyền thông, sự kết nối giữa người với người, địa phương với địa phương còn khó khăn, giao thông liên lạc chủ yếu bằng ngựa, đường bộ. Còn bây giờ thế giới phẳng, con người có thể tương tác bất cứ lúc nào, tôi giúp con anh, anh giúp con tôi. Vì vậy, chủ trương đúng nhưng phải đặt trong bối cảnh mới", ông Vân nói.
Chống tư tưởng "rừng nào cọp nấy"
Nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cho biết, đề xuất bố trí cán bộ chủ chốt cấp tỉnh không phải người địa phương đã được bàn thảo từ mấy chục năm nay. Điểm tích cực là chống tư tưởng "rừng nào cọp nấy", giúp cán bộ khách quan, nỗ lực hơn trong công tác khi đến một địa bàn mới, cũng qua đó để thử thách, phát hiện được cán bộ có năng lực nổi trội.
"Tuy nhiên, không thể một giải pháp này mà chống được chạy chức, chạy quyền và tiêu cực. Tôi ủng hộ đề xuất trên, nhưng cần nói rõ gốc của vấn đề hiện nay là kiểm soát quyền lực, phải giải quyết từ gốc", ông Hương nói và hiến kế cho Trung ương Đảng hai việc.
Thứ nhất, nghiên cứu chủ trương nhất thể hóa lãnh đạo, bí thư cấp tỉnh kiêm chủ tịch UBND. Theo ông, trên thực tế ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng mất đoàn kết, chủ yếu do bí thư và chủ tịch mâu thuẫn với nhau.
"Chúng ta chỉ nên để một người đứng đầu, kiêm nhiệm, khi đó địa chỉ trách nhiệm rất rõ, ông nào làm được thì phát triển lên Trung ương, làm kém cách chức", ông Hương góp ý.
Thứ hai, ông Hương nói đề án có nội dung "nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch ủy ban nhân dân xã", Trung ương nên nghiên cứu ở cấp cao hơn, đồng thời thực hiện nghiêm việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện.
Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh đến hai giải pháp là thi tuyển và tranh cử công khai. "Thi tuyển sẽ kiểm tra được trình độ năng lực ứng viên, còn tranh cử sẽ thấy được sự tín nhiệm của đảng viên cũng như của người dân với các ứng viên", ông nói.