Chia sẻ tại tập 7 chuỗi tọa đàm UniPrep, ông khuyên học sinh đăng ký ngành học theo đam mê của mình. Chỉ như vậy, giới trẻ mới có thể chịu khó tìm hiểu, đọc sách báo, từ đó, tạo nên môi trường học tập 360 độ, thúc đẩy bản thân phát triển về cả kiến thức, kỹ năng và tư duy. Tuy nhiên, ông lưu ý nên chọn ngành rộng, bao quát nhiều nhánh nhỏ trong tài chính.
"Hãy chọn tài chính là ngành chung, đừng chọn ngành quá hẹp. Bạn có thể học tài chính, ngân hàng đầu tư hay bảo hiểm. Chứ đừng sâu xuống nữa là bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, bạn đang tự giới hạn bản thân", ông nhấn mạnh.
Theo chuyên gia điều các bạn có sau khi tốt nghiệp là kiến thức, thái độ và tư duy và cách các bạn học hỏi ở trường đại học. Bên cạnh thông tin về ngành, chất lượng trường ứng viên từng học, nhà tuyển dụng quan tâm đến việc họ ứng dụng kiến thức từ quá trình tìm tòi, chủ động tham vấn giảng viên, cách kết nối với người có lợi cho sự phát triển cá nhân. Khi thấy có các kỹ năng đó, họ có thể đánh giá ứng viên có khả năng phát triển bản thân và đem lại ích cho doanh nghiệp hay không.
"Để làm được điều này, trong quá trình học, các bạn tích cực tham vấn giảng viên và những người đi trước. Họ sẽ cho bạn lời khuyên về ngành, lợi ích về ngành dựa trên bối cảnh của bạn", ông nói thêm.
Theo Trưởng phòng cấp cao, Công ty tư vấn PwC Việt Nam, kỹ năng tham vấn, đặt câu hỏi không chỉ hỗ trợ quá trình học tập, mà còn giúp ích trong công việc. Trong quá trình đi học, sinh viên cần tận dụng nâng cao trải nghiệm, xây dựng mối quan hệ với cả bạn bè. "Những người đang học với bạn hôm nay, 10 năm sau có thể là giám đốc công ty nào đó, tác động tích cực đến bạn sau này", ông chia sẻ.
Ngoài ra, ông lưu ý các bạn trẻ, dù khi chọn ngành hay làm nghề, cũng không nên vội vã từ bỏ những gì mình đang theo đuổi. Với lợi thế tuổi trẻ, học sinh, sinh viên có cơ hội trải nghiệm nhiều. Tuy nhiên, điều đó phải song hành với sự tập trung năng lượng, làm hết sức để có kết quả tốt nhất.
Diễn giả cho biết, thực tế nhiều bạn trẻ ra trường là một năm đã kêu chán dù chưa bao giờ dành hết tâm sức hoàn thành công việc. "Các bạn cần trải nghiệm đến nơi đến chốn. Đừng làm qua loa", ông nói.
Chia sẻ câu chuyện thực tế của bản thân, ông Thomas Hưng cho biết đã gắn bó với lĩnh vực tài chính hơn 10 năm. Khi học tại Đại học Kinh tế TP HCM, ông được trang bị nhiều kỹ thuật cơ bản, phân tích và tư duy của người làm tài chính. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu với công việc quản lý tập sự một công ty bảo hiểm, trong bộ phận tài chính và từ đây, hiểu được cách thu phí bảo hiểm và tái đầu tư trái phiếu.
Sau đó, diễn giả tiếp tục qua Anh học tập và làm công việc điều tra gian lận tham nhũng và tội phạm tài chính. Nhờ đó ông có góc nhìn mới về thị trường tài chính để tư vấn cho cá nhân, doanh nghiệp tránh được rủi ro lừa đảo.
Với ông Thomas Hưng lúc này quá trình học hỏi vẫn đang tiếp diễn. Ví dụ, trong tài chính 4.0, người làm nghề đang nói về crypto, tiền ảo... Điều này mang lại nhiều góc độ khác về gian lận tài chính. Do đó, ông cần không ngừng mở mang tầm hiểu biết.
"Nếu có tư duy mở, người học tài chính có căn bản có thể làm việc trong nhiều vị trí, nhiệm vụ và công ty khác nhau. Đừng để biên giới của một quốc gia, tên ngành học giới hạn khả năng của bạn", ông nhấn mạnh.
Nhật Lệ
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.