Trận mưa lịch sử hôm 29/5 gây hơn 100 điểm ngập lớn nhỏ tại Hà Nội. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hiệu ứng thời tiết cực đoan và áp lực từ hạ tầng, dân số, chuyên gia cho rằng thủ đô cần sớm có giải pháp quyết liệt.
Theo GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Nghiên cứu cấp thoát nước, việc xây dựng bể ngầm chứa nước là phương án Hà Nội có thể nhân rộng. Hiện thành phố mới thí điểm xây hầm ngầm chống ngập cho phố Nguyễn Khuyến, quy mô 2.000 m3. Mô hình này đã được ứng dụng thành công tại Hong Kong (Trung Quốc).
Theo đó, bể ngầm thường được áp dụng cho khu vực ngập úng cục bộ, xu thế ổn định qua các năm. Để triển khai, cơ quan cấp thoát nước xác định khu vực ngập úng, tìm vị trí có đường dẫn nước thuận lợi, khoảng không gian trống lớn phía trên để xây bể ngầm. Khu vực lý tưởng là dưới các bãi cỏ lớn, sân bóng đá để tối ưu thể tích bể, giúp nước thấm nhanh.
Khi mưa lớn, nước sẽ chảy nhanh xuống bể, giảm áp lực cho hệ thống tiêu thoát, tránh ngập úng. "Lượng nước tích trữ có thể giúp tưới tiêu vào mùa khô, phục vụ chữa cháy hay đưa về nhà máy xử lý thành nước sinh hoạt", ông Hạ nói.
Tại Hong Kong, trong các bể ngầm lớn phải kể đến công trình nằm dưới khu vui chơi Happy Valley. Bể có thể tích khoảng 60.000 m3, hình chữ L và nằm dưới 5 sân bóng đá, đã hỗ trợ đắc lực cho công tác chống ngập những năm qua.
Ông Hạ cho rằng cần tách biệt giữa bể ngầm tích nước và hệ thống hầm ngầm thoát nước. Hệ thống hầm ngầm có chi phí và quy mô lớn hơn nhiều. Hầm thoát nước được kết nối với các nhà máy xử lý, hoặc dẫn trực tiếp ra sông, hồ. Ưu điểm là nước mưa và nước thải được thu theo đường ống riêng, giúp hạn chế nguy cơ ngập lụt và ô nhiễm nguồn nước.
Khi nước mưa chảy xuống hệ thống ngầm sẽ theo các đường ống đổ ra sông, hồ... Còn nước thải sẽ được xử lý bằng đường ống riêng, trong quy trình khép kín và chỉ được thải ra môi trường sau khi đã xử lý.
Một trong những hệ thống thoát nước ngầm tiên tiến nhất trên thế giới là ở Tokyo. Trong hệ thống này, MAOUDC là công trình phòng chống lũ lụt lớn nhất thế giới, được cho là lá chắn ngầm bảo vệ thủ đô của Nhật khỏi ngập lụt.
Hệ thống hầm ngầm này hút nước từ những con sông nhỏ và trung bình ở khu vực phía bắc Tokyo, đổ về 5 bể trụ ngầm khổng lồ, mỗi bể cao 70 m. Nước trong bể ngầm sau đó sẽ được lưu chuyển qua đường hầm dài 6,3 km và được 78 máy bơm công suất lớn xả ra sông Edo với lưu tốc gần 200 m3/s.
Trường hợp nước ở sông Edo dâng cao, MAOUDC sẽ làm giảm dòng chảy thông qua bể kiểm soát áp lực khổng lồ dài bằng hai sân bóng đá, nhờ thế các máy bơm có thể điều tiết và đẩy nước ra sông.
Đề xuất ý tưởng về mô hình chống ngập cho Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, cho rằng quan trọng nhất là tạo không gian thoát nước, ứng dụng vật liệu có độ thấm cao và mở rộng diện tích mặt nước, mặt cỏ.
Trên thế giới, phương pháp ông Liên nhắc tới được gọi là "thành phố bọt biển". Thuật ngữ này dành cho đô thị đối phó với úng ngập bằng các biện pháp tự nhiên, không cưỡng ép đưa nước ra ngoài bằng đường ống, máy bơm.
Thay vì tiêu thoát hết, mô hình này giữ lại nước mưa phục vụ nông nghiệp trong đô thị, tái nạp vào nguồn nước ngầm cho dài hạn hoặc xử lý để đưa vào nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Vũ Hán, Bắc Kinh và Thượng Hải đang là những đô thị đi đầu trong phát triển "thành phố bọt biển".
Các biện pháp chủ yếu được sử dụng là trồng nhiều cây xanh trên tầng thượng các nhà cao tầng, thiết kế nhiều bể để lưu trữ nước mưa, xây dựng mặt đường bằng vật liệu xốp, trồng cây có tính năng hút, giữ nước trong đô thị, mở rộng hồ, đầm, khoảng không để trữ nước...
CBBC Focus chỉ ra rằng một đô thị chỉ cần thay đổi vật liệu xây dựng đường bằng chất liệu thấm hút nước, tăng trồng cây xanh trên tầng thượng nhà cao tầng đã có thể giảm đáng kể các trận ngập nhỏ và vừa.