Năng động được coi là một yếu tố quan trọng giúp trẻ trưởng thành cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, Covid-19 với những đợt giãn cách xã hội cùng việc phải học trực tuyến khiến nhiều trẻ trở nên bức bối, chậm chạp, thụ động. Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM cho rằng sự thu hẹp không gian sống, thực hiện 5K đã cắt giảm rất nhiều cơ hội được vận động, giao tiếp, di chuyển và khám phá của trẻ. Điều này dẫn trẻ đến sự mất cân bằng cả về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm thần. Việc hạn chế hoạt động và tiếp xúc quá nhiều với các sản phẩm truyền thông không phù hợp độ tuổi có thể dẫn trẻ đến các hành vi chưa ngoan, nguy hiểm và nhịp sinh hoạt không khoa học. Bên cạnh đó, các áp lực mà phụ huynh đang phải trải qua cũng có thể khiến bố mẹ giao tiếp tiêu cực với trẻ, làm trẻ bị tổn thương tinh thần.
Cùng trăn trở, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng trẻ em nên có thời gian hoạt động thể lực trên 2 giờ mỗi ngày và thời gian tĩnh tại dưới 2 giờ mỗi ngày. "Việc ít hoạt động thể lực sẽ tăng nguy cơ thừa cân béo phì, ảnh hưởng tới các chức năng tiêu hóa, hấp thu, ảnh hưởng tới tăng trưởng chiều cao, khối cơ và chất lượng xương. Nếu dành nhiều thời gian chơi game, lướt web... trẻ sẽ tăng nguy cơ rối loạn cảm xúc, giảm thị lực, khó ngủ...", bác sĩ cho biết.
Để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, duy trì tinh thần năng động sáng tạo, tiến sĩ Tô Nhi A khuyên phụ huynh cần có kế hoạch và nghiêm túc tổ chức cuộc sống cho cả gia đình. Nữ giảng viên cho biết sự vận động là yếu tố rất quan trọng cần được tính toán. Vận động thể chất luôn có giá trị cho sự hoàn thiện các chỉ số sức khỏe. Vận động giúp tiêu trừ các cảm xúc tiêu cực, từ đó điều tiết đời sống tâm lý hiệu quả. "Duy trì chế độ tập luyện không chỉ đơn giản là tinh thần thể thao mà còn là hoạt động hỗ trợ cho sức khỏe tâm thần", tiến sĩ Tô Nhi A cho biết.
Bà gợi ý phụ huynh thiết kế các hoạt động sống đa dạng, cho trẻ các cơ hội vận động (các bài tập thể dục trong không gian hẹp, các loại vận động kết hợp với lao động vừa sức tại nhà), cũng như lịch trình sinh hoạt phong phú các trải nghiệm: cùng dọn dẹp, cùng nấu ăn, học tập, giải trí, các dự án nhỏ tại nhà như làm thủ công, chăm sóc cây, thú cưng,... để trẻ có thể khởi tạo và duy trì sự tích cực trong dịch bệnh.
Bên cạnh trở ngại do dịch bệnh, nhiều phụ huynh phàn nàn đôi khi trẻ có thể gặp khó khăn trong vận động nếu sống ở những đô thị lớn, không gian chật chội dù trong giai đoạn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng dù nhiều khu dân cư tại các đô thị không gian không thuận lợi vẫn có nhiều cách thức để trẻ tăng cường vận động và tập luyện thể thao. "Rất nhiều môn có thể chơi trong không gian hẹp như chạy, nhảy dây, thể dục dụng cụ thu hẹp, xà, bóng..., các trò chơi vận động. Trẻ cũng có thể tham gia tập luyện tại các trung tâm thể dục thể thao gần nhà hoặc gần trường, tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao tại trường. Cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng kế hoạch học tập vui chơi hợp lý để có thể dành thời gian cho vận động thể lực", bác sĩ cho biết.
Tiến sĩ Tô Nhi A đồng tình hoạt động thể dục thể thao rất đa dạng và phong phú các bài tập, đủ để giải quyết các khó khăn như không gian hẹp của tình trạng các gia đình hiện nay. Những bài tập tại chỗ, các bài vận động như yoga rất dễ tìm kiếm từ tài nguyên internet.
Hay mới đây, MILO vừa giới thiệu "Sân chơi năng động" trên Zalo cùng thử thách "7 ngày năng động". Tham gia chương trình, mẹ và bé sẽ cùng nhau trải nghiệm 5 ngày tập luyện môn thể thao yêu thích theo các bài tập từ cơ bản đến nâng cao và 2 ngày nghỉ ngơi để bổ sung dinh dưỡng và năng lượng theo chế độ ăn uống được khuyến cáo từ các chuyên gia. Trong thời gian từ ngày 8/11 đến 5/12, sân chơi đang tặng 11.500 hộp bút phiên bản giới hạn cho người chơi hoàn thành 2 ngày thử thách đầu tiên và 4.000 túi thể thao dành tặng cho người chơi hoàn thành 7 ngày thử thách sớm nhất nhằm kích thích bé tham gia vận động, từ đó hình thành thói quen tốt.
Tiến sĩ Tô Nhi A nhấn mạnh, lý thuyết có tính khái quát nhưng không phải là "chỉ định đúng tuyệt đối" với mọi trẻ. Do đó, phụ huynh cần quan sát để nhận biết các thông tin của trẻ trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, việc cho trẻ tham gia các hoạt động sống đa dạng là phương thức quan trọng để nhận diện năng lực, xu hướng phát triển của các con. "Khó lòng biết rằng con chúng ta có trí thông minh vận động nếu như trẻ chưa bao giờ được tham gia các bài tập vận động; chúng ta hầu như không nhận ra trẻ hoạt ngôn nếu như hoạt động cá nhân của trẻ nghèo nàn việc giao tiếp và không được tạo điều kiện giao tiếp. Khi cho trẻ trải nghiệm thực tế, chúng ta mới có thể đo lường được trẻ cần một chương trình giáo dục mang tính cá thể hóa, phù hợp với trẻ là một chương trình như thế nào", tiến sĩ Tô Nhi A cho biết.
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp bổ sung, ngoài vận động, cha mẹ còn cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng nhằm giúp con linh hoạt, năng động. Cha mẹ cần làm gương cho trẻ trong thực hành phối hợp dinh dưỡng và vận động, sống năng động, lạc quan và tích cực. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ về chế độ dinh dưỡng cân bằng để tăng cường sức khỏe và tối ưu phát triển cho trẻ. Đó có thể là cùng xây dựng thực đơn dinh dưỡng, cùng chọn các thực phẩm giàu vi chất và cùng chế biến các món ăn giàu dinh dưỡng...
Bác sĩ chuyên khoa II Ngọc Diệp khuyến cáo các bữa ăn cần cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin, chất khoáng và chất xơ để đáp ứng sự tăng trưởng nhanh của trẻ em và nâng cao sức đề kháng trong thời điểm dịch bệnh. Các chất dinh dưỡng cần tăng cường để nâng cao sức đề kháng là chất đạm, vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D và vitamin E; kẽm, sắt và một số chất khoáng siêu vi lượng khác như selen, iod và probiotic. Trẻ cần ăn đa dạng, đủ và cân đối các nhóm thực phẩm bao gồm gạo và ngũ cốc, thịt gia súc gia cầm, cá và thủy hải sản, trứng, rau xanh, trái cây, sữa và sản phẩm từ sữa, dầu thực vật và một số loại hạt như hạnh nhân, óc chó để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Kim Anh