Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Phương án một, học sinh sẽ thi 4 môn (2 bắt buộc, 2 tự chọn) và Ngoại ngữ không thuộc danh sách môn thi chính. Phương án hai, thí sinh thi 5 môn, trong đó Ngoại ngữ là một ba môn bắt buộc cùng với Toán, Ngữ văn. Bộ Giáo dục đang nghiêng về phương án một, nếu được dư luận đồng thuận sẽ áp dụng ngay trong năm 2014.
"Tôi ủng hộ phương án thi 4 môn", GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho biết. Theo ông, phương án giảm bớt số môn thi tốt nghiệp xuống còn 4 môn rất tốt, vì vừa đơn giản kỳ thi, vừa giảm áp lực cho học sinh.
"Thông qua 2 môn Toán, Văn cũng đã đánh giá được năng lực tư duy cần thiết của học sinh. Còn 2 môn tự chọn nhằm định hướng nghề nghiệp và cũng là tôn trọng nguyện vọng cá nhân của các em", GS Đào Trọng Thi nói.
Ông Thi cũng cho rằng, hiện tại chưa thể để môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc vì điều kiện giảng dạy môn này không đồng đều giữa các vùng,miền núi - đồng bằng, nông thôn - thành thị.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cũng đánh giá cao phương án đổi mới thi tốt nghiệp vừa công bố. Theo Giáo sư, 6 môn thi như hiện tại tạo áp lực rất nặng nề cho học sinh mà hiệu quả thì chưa như mong muốn. Cái nhìn thấy trước mắt của phương án mới là số lượng môn thi giảm xuống - giảm áp lực cho học sinh.
Bên cạnh đó, thay vì lo lắng, chờ đợi Bộ công bố môn thi tốt nghiệp, học sinh sẽ biết trước và tự chọn môn thi. Đó là bước đầu của quá trình phân hóa đào tạo, nhưng vẫn đảm bảo học sinh có mặt bằng kiến thức chung khi sử dụng kết quả học tập các môn vào xét tốt nghiệp.
GS Hạc phân tích, hiện nay, vấn đề dạy và học Ngoại ngữ trên cả nước không đồng đều. Nếu thành phố có đầy đủ điều kiện học tập thì ở những vùng miền núi thậm chí còn thiếu sách để học. Chất lượng giáo viên cũng chưa đạt yêu cầu, phần lớn không tốt nên để Ngoại ngữ thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc là không khả thi.
"Số lượng môn thi bắt buộc, tự chọn như vậy là ổn. Còn môn Ngoại ngữ, học sinh nào thấy tự tin thì đăng ký thi để được cộng điểm, thời gian tới nhất định phải là môn thi bắt buộc vì yêu cầu nguồn nhân lực cung cấp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới", GS Hạc nói.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đồng tình với dự thảo thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ông góp ý, Ngoại ngữ rất quan trọng nên cần thiết phải đưa môn này vào diện bắt buộc. Toán là để tư duy, Văn là viết nhưng theo tinh thần không hỏi kiến thức mà bắt học sinh phải viết, còn Ngoại ngữ ở mức độ phù hợp. Còn môn tự chọn chỉ cần 1 môn liên quan tới ngành học của thí sinh.
"Nếu Bộ làm được phương án này, lấy điểm của thí sinh trên quá trình các em học thì rất tốt. Thi tốt nghiệp không nhất thiết phải đỗ 80-90%, những người không đỗ thì cấp cho các em chứng chỉ học xong bậc phổ thông, có thể lấy để đăng ký trung học nghề, nghề ngắn hạn", PGS Nhĩ gợi ý và kiến nghị, nếu áp dụng phương án thay đổi trong năm nay, dù không ảnh hưởng gì tới học sinh nhưng phải kết hợp với điểm học tập của thí sinh.
Nguyên Thứ trưởng Giáo dục cho rằng, có thể lấy điểm quá trình học tập của học sinh là 30% và điểm thi tốt nghiệp 70% rồi cộng lại. Như vậy 3 năm học ở phổ thông học sinh phải học đều đặn, nếu các em chỉ tập trung vào 4 môn thi tốt nghiệp cũng chỉ được 70%. Cách đánh giá như vậy phù hợp với đổi mới (vừa đánh giá theo quá trình, vừa đánh giá theo cuối kỳ mà thế giới đã làm). Khu vực miền núi trình độ thấp hơn thì có thể làm dần dần ở môn Ngoại ngữ. Dù khó khăn Ngoại ngữ vẫn phải thi vì đó là môn công cụ.
GS Nhĩ cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc miễn thi 20% vì đây là một kỳ thi đánh giá quốc gia, tất cả mọi người phải tham gia. "Đương nhiên những học sinh giỏi sẽ đỗ và có thể đỗ cao, sau này kết quả ấy sẽ sử dụng cho các trường đại học tuyển chọn hay xét tuyển. Các môn thi cũng phải tự luận, không trắc nhiệm nữa", PGS Nhĩ đề xuất.
Hoàng Thùy