Tọa đàm "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới" diễn ra chiều ngày 6/10 với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện phía chính phủ và lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản.
Trong suốt hơn 2 tiếng của buổi tọa đàm, các chuyên gia trong ngành đã bàn thảo nhiều khía cạnh của lĩnh vực bất động sản: từ những ảnh hưởng của Covid-19, đến nhu cầu của nhà đầu tư và đặc biệt nhấn mạnh đến các tiềm năng phục hồi sau dịch.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, khi kinh tế mở cửa trở lại, và bắt đầu đà phục hồi, bất động sản cũng có nhiều khả năng phát triển. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên bất động sản thường có xu hướng phát triển trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Song song với đó, bất động sản thế giới cũng đang có sự phục hồi nhanh, đây cũng là yếu tố có thể giúp thị trường trong nước đi lên.
Ngoài ra, theo nhận định của ông Thiên số lượng giao dịch thực ở quý cuối năm nay đang có dấu hiệu tăng. Nguyên do là bởi các nhà phát triển thường chọn thời điểm tung hàng cuối năm và người mua cũng tự tin hơn khi xuống tiền hơn ở giai đoạn này. Tuy vậy, để bất động sản trở lại đà tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động mạnh từ dịch bệnh, chỉnh phủ sẽ cần có sự nỗ lực mạnh mẽ, có các chính sách ưu tiên và đảm bảo nền kinh tế vận hàng càng trơn tru càng tốt.
Cũng có chung góc nhìn trên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, dù kinh tế quý 3 tăng trưởng âm nhưng tình hình phía trước vẫn có nhiều điểm sáng khi tốc độ tiêm chủng đang ngày một đẩy mạnh. Ngoài ra, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm tới là 6% trở lên. Đầu tư bất động vẫn còn nhiều kì vọng.
Hai năm qua, tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, bất động sản vẫn là điểm sáng, thanh khoản mạnh, giá cả tốt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng bắt đầu có sự dịch chuyển về lối sống, sống xanh, sống tốt, vui vẻ, an toàn, kéo theo xu thế dịch chuyển bất động sản ra ngoại ô và cũng nảy sinh nhu cầu mới cho thị trường này ông Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và sụt giảm tăng trưởng kinh tế, nhưng về cơ bản, nội tại ngành bất đông sản không bị khủng hoảng mà chỉ cản trở bởi những tác động bên ngoài. TS. Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của ASEAN là 5 năm.
Trong năm 2020, cứ sau dịch bất động sản lại phát triển trở lại, đặc biệt có thời điểm đầu năm 2021 còn xảy ra sốt đất. Điều này cho thấy lực cầu bất động sản rất mạnh mẽ. Lực cầu mua nhà có thể giảm, nhưng lực cầu đầu tư sẽ tăng rất mạnh mẽ vì các nhà đầu tư luôn phải đi trước thị trường, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một trong những trợ lực lớn cho sức bật của thị trường bất động sản là nhiều thủ tục pháp lý đã được tháo gỡ mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cuối năm nay sẽ có 2 văn bản pháp lý có thể được ban hành là Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh hoạt động bất động sả và Nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, một số điều khoản quy định của của Luật Đất đai và Luật kinh doanh bất động sản cũng sẽ được Bộ Xây dựng sửa đổi trong cuối năm tới.
"Ở góc độ nghiên cứu tham mưu tôi cho rằng sẽ có nhiều chính sách mở thông thoáng hơn đáp ứng hơn nhu cầu của thị trường. Kinh nghiệm tôi nhận thấy trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ bùng nổ", ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết.
Đại diện cho góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đưa ra dự báo dự báo quý IV thị trường bất động sản sẽ "cực kỳ khởi sắc", tạo tiền đề cho thị trường 2022. Ông cho biết dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, các mảng kinh doanh bất động sản, hàng không, nghỉ dưỡng của FLC vẫn vẫn vững vàng vượt qua.
Một trong những khu vực được tập đoàn này đầu là khu vực miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình. Theo nhận định của ông Trần Đình Thiên, những điểm bất lợi trước đây như nắng gió, cát, hang động núi nón từng một thời là bước cản cho sự phát triển của Quảng Bình nếu đi theo mô hình phát triển nông nghiệp truyền thống, thì giờ đang trở thành lợi thế của địa phương.
Hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng được coi là một lợi thế đặc biệt của Quảng Bình. Địa phương này nói riêng và khu vực miền Trung nói riêng vẫn đang chờ các nhà đầu tư vượt khó để vào khai thác các lợi thế này. Ông Võ Trí Thành cũng cho biết, các trung tâm đổi mới sáng tạo đang dần hình thành và trở thành cú hích cho miền Trung đi lên. Khu vực này không còn gắn với hình ảnh khó khăn, mà có thể trở thành trung tâm kết nối phát triển, tăng trưởng.
Các chuyên gia đều nhận định rằng, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng bất động sản vẫn có nhiều sức bật có thể nhanh chóng đón đà phục hồi kinh tế sau dịch. Điều quan trọng là cần giải quyết các vấn đề về khung pháp lý để giúp thị trường này tận dụng các tiềm năng và phát triển mạnh mẽ hơn.
Thảo Miên