TP HCM tiếp tục giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 16/9 đến ngày 30/9.
Theo lãnh đạo thành phố, thời gian qua địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng so với tiêu chí kiểm soát dịch bệnh do Bộ Y tế đề ra thì còn những nội dung chưa đạt được. Vì vậy, để chống dịch bền vững hơn, thành phố từng bước nới lỏng, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội sao cho hài hòa giữa phòng dịch và đảm bảo các hoạt động thiết yếu.
Bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16, được Bộ Y tế ban hành tháng 8/2021. Theo đó, các địa phương đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh khi đáp ứng ba tiêu chí cơ bản: Số ca nhiễm mới tại cộng đồng giảm liên tục so với hai tuần trước đó và giảm ít nhất một nửa so với tuần cao điểm nhất của đợt dịch; số mẫu dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm PCR giảm liên tục 14 ngày; một tuần không có chuỗi lây nhiễm mới.
Ngoài ra, các địa phương phải giảm một nửa tỷ lệ huyện, xã mức độ nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ; tỷ lệ này là 30% với TP HCM.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, cho rằng tại TP HCM, dịch bệnh đã lây lan rất sâu và rộng trong cộng đồng, khiến việc đạt được các điều kiện theo tinh thần tiêu chí nêu trên - hướng tới mục tiêu xóa bỏ Covid-19 và không còn F0 trong cộng đồng, gần như "bất khả thi".
Ngoài ra, theo ông Nam, số lượng ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày có thể chưa phản ánh hết thực tế mức độ lây lan dịch bệnh, vì phụ thuộc vào số lượng xét nghiệm, khu vực lấy mẫu. "Nếu chỉ dựa vào tiêu chí TP HCM phải giảm ít nhất một nửa số ca nhiễm so với tuần cao nhất trong đợt dịch thứ tư, trong khi thành phố phải mở rộng xét nghiệm, thì rất khó đạt được tiêu chí này", ông Nam nói.
Ông Nam cũng nhận định, việc "không ghi nhận chuỗi lây nhiễm mới trong một tuần" ở TP HCM rất khó đạt được bền vững trong thời gian dài. Ông dẫn chứng, những nước đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao như Israel, một số nước ở châu Âu, Bắc Mỹ... cũng đã từ bỏ mục tiêu "miễn dịch cộng đồng" vì vẫn phát sinh ca nhiễm mới. Vì vậy, khi TP HCM và các địa phương tiêm chủng đủ liều cho toàn bộ dân số trưởng thành, cũng vẫn có thể xảy ra các ổ dịch mới, tuy nhiên sẽ ít ca nặng và tử vong.
"Những tiêu chí của Bộ Y tế có thể đặt TP HCM vào tình thế địa phương không thể tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh cho dù phủ kín vaccine và đạt nhiều tiến bộ trong điều trị Covid-19. Khi đó, người dân sẽ phải tiếp tục ở nhà và các hoạt động kinh tế, xã hội chưa thể mở lại", ông Nam lo ngại.
TP HCM đã tiêm mũi một vaccine cho gần 100% dân số (từ 18 tuổi), khoảng 30% dân số đã tiêm đủ hai mũi. Đồng thời, thành phố cũng đã tăng mạnh số cơ sở và giường bệnh điều trị ở cả 3 tầng. Số ca tử vong từng lên đến 350 ca/ngày, nay giảm còn khoảng 200 ca/ngày. "Dù số ca nhiễm hằng ngày vẫn cao, nhưng ca bệnh nặng và tử vong ở TP HCM đã giảm. Tuy nhiên, tiêu chí quan trọng này chưa được cập nhật để đánh giá mức độ kiểm soát dịch bệnh của thành phố", ông Nam phân tích.
Theo ông Nam, việc sửa đổi tiêu chí kiểm soát dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn với lộ trình mở cửa kinh tế, xã hội, dịch vụ, các hoạt động tại TP HCM thời gian tới, để hướng đến "bình thường mới", sống chung an toàn với virus. Ông đề xuất bốn tiêu chí kiểm soát dịch bệnh tại TP HCM. Thứ nhất, bộ tiêu chí mới vẫn dựa trên các chỉ số dịch tễ như tổng số ca nhiễm mới và số ca cộng đồng; số ca nhập viện vào mỗi tầng trong tháp điều trị Covid; số ca tử vong (tách thành nhóm người tử vong đã tiêm vaccine và chưa tiêm).
Thứ hai, các tiêu chí về mức độ sẵn sàng của hệ thống bệnh viện điều trị Covid-19. Thứ ba, mức độ thiết lập, kiểm soát các chuẩn mực giao tiếp, quy trình 5K tại nơi đông người. Thứ tư, tiêu chí về ứng dụng công nghệ phòng chống dịch bệnh.
"Bộ tiêu chí mới cần có tính khả thi để nếu TP HCM cố gắng thì sẽ đạt được mục tiêu kiểm soát dịch và bắt đầu lộ trình mở cửa, khôi phục từng bước các hoạt động kinh tế - xã hội", ông Nam đề xuất.
TS Nam nhận định, nếu dựa trên các tiêu chí mở rộng nêu trên, TP HCM có thể bắt đầu lộ trình mở cửa từng bước kinh tế, xã hội sau ngày 15/9; với điều kiện thành phố củng cố thêm ba trụ cột khác ngoài vaccine, đó là điều trị, 5K, ứng dụng công nghệ.
"Nếu TP HCM đã giảm tải được hệ thống y tế, tiếp tục cải tiến điều trị, kiểm soát thực hành tốt 5K mọi lúc, mọi nơi và ứng dụng hiệu quả công nghệ vào chống dịch thì có thể bắt đầu lộ trình mở cửa ngay, ban đầu mở nhỏ, rồi tăng dần lên theo tiến độ phủ vaccine mũi hai", TS Nam đề xuất.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, cũng đồng tình Bộ Y tế cần sửa đổi bộ tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh. Ông nói, hiện nay TP HCM đã bao phủ được hết vaccine mũi một cho toàn bộ dân số trưởng thành. Vì vậy, số ca nhiễm mới trong cộng đồng "không còn quan trọng nữa, mà quan trọng là bao nhiêu F0 nặng phải nhập viện, bao nhiêu ca tử vong".
Ông Khanh nêu hai tiêu chí cơ bản để đánh giá việc kiểm soát dịch bệnh tại TP HCM, Hà Nội cũng như các địa phương khác. Thứ nhất, độ bao phủ vaccine, trong đó nêu rõ chỉ số về tỷ lệ tiêm mũi một, tiêm đủ liều. "Đặc biệt cần tính đến chỉ số tỷ lệ tiêm vaccine cho nhóm dân số nguy cơ tử vong cao, như người già, bệnh nền...", ông Khanh nói.
Tiêu chí thứ hai, là công suất hệ thống điều trị có bị quá tải so với số F0 bệnh nặng phải nhập viện hay không. "Khi đã bảo phủ được vaccine, các địa phương chỉ cần quan tâm đến số ca F0 bệnh nặng, nhập viện, làm sao để không gây quá tải cho hệ thống điều trị", ông Khanh nêu quan điểm.
Về vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, nói rằng hiện nay các địa phương vẫn cần áp dụng bộ tiêu chí đã ban hành để đánh giá mức độ kiểm soát dịch bệnh. Các tiêu chí này đã được Bộ Y tế tham khảo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến mới, nên Bộ sẽ nghiên cứu, cập nhật, điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Mục tiêu là đảm bảo các tiêu chí phù hợp với thực tiễn nhất, đảm bảo cho các địa phương có thể công bố kiểm soát được dịch một cách an toàn, đồng thời từng bước mở cửa, phát triển kinh tế, xã hội.