Ngày 15/9, tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nhận định dịch bệnh sẽ kéo dài với khả năng đột biến, lây nhiễm mạnh của nCoV.
Thời gian qua, số bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh cùng một thời điểm, gây quá tải cho hệ thống y tế, bộc lộ yếu kém về khả năng hồi sức cấp cứu, thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu máy thở, oxy...
Từ thực tế này, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực y tế cho rằng, cần điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch giai đoạn mới, theo hướng tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống, bao gồm xét nghiệm trọng điểm; điều trị hiệu quả; triển khai tiêm vaccine, dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy.
![Nhân viên y tế phường 3, quận 8, TP HCM đến thăm khám, phát thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, ngày 29/8. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/09/15/tp-hcm-mua-them-200-000-goi-th-4275-4602-1631716960.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UMifETr1GnbNjIjfdpQteg)
Nhân viên y tế phường 3, quận 8, TP HCM đến thăm khám, phát thuốc cho người mắc Covid-19 (F0) điều trị tại nhà, ngày 29/8. Ảnh: Quỳnh Trần
Những tỉnh đang kiểm soát được dịch bệnh sẽ tiếp tục nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả.
Những địa phương dịch nhiễm sâu và nặng như TP HCM, một phần tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., cần có những biện pháp chống dịch đặc biệt, như tập trung kiểm soát nguồn lây, kéo giảm số ca nhiễm mới, giảm nhanh số ca tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Sau khi tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng, những nơi này dần nới lỏng sản xuất, kinh doanh theo trạng thái "bình thường mới".
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong chiến lược mới cần tiếp tục thực hiện 5K; hình thành mô hình sống chung an toàn như sinh hoạt, giáo dục, đi lại, sản xuất an toàn; giãn cách xã hội khi cần thiết để làm chậm chuỗi lây nhiễm mới.
Với dân số 100 triệu, Việt Nam cần tự chủ công nghệ xét nghiệm, thuốc điều trị, vaccine, trang thiết bị, máy móc, hệ thống oxy...
![Xe tiêm vaccine lưu động cho người dân quận Gò Vấp, TP HCM, tháng 8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/09/15/xe-tie-m-vaccine3-1628947406-3000-1631713710.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yh-BDS5DbUgQREYxv016Dw)
Xe tiêm vaccine lưu động cho người dân quận Gò Vấp, TP HCM, tháng 8/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
GS.TS Đỗ Tất Cường, Phó chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, đề nghị tăng cường năng lực điều trị ngay từ những tầng dưới (mô hình tháp điều trị 3 tầng của Bộ Y tế), phát huy tối đa mạng lưới y tế cơ sở; giảm tỷ lệ diễn biến nặng phải chuyển lên tầng cao hơn.
Đồng tình với quan điểm này, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết (Giám đốc Học viện Quân y) và PGS.TS Nguyễn Viết Nhung (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương) cho rằng tới đây công tác điều trị sẽ theo hướng giảm số ca chuyển nặng, giảm tử vong, tối ưu hoá nguồn lực y tế.
Về nhân lực tại chỗ, các chuyên gia đánh giá cơ chế chỉ huy cấp xã (phường), quận (huyện) đang gặp khó khăn, bất cập, thiếu linh hoạt, sáng tạo. Nguyên nhân, do năng lực tham mưu hạn chế của y tế cơ sở; hướng dẫn của ngành y tế quá chi tiết, cụ thể mà thiếu quy định mang tính nguyên tắc để vận dụng. Vì vậy, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, kiến nghị thay vì chỉ đưa sinh viên y khoa đi hỗ trợ chống dịch, các trường y cần đào tạo cho đội ngũ y, bác sĩ cấp cơ sở.
Các chuyên gia cũng đề xuất cần có cơ chế huy động nguồn lực y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 và công tác chống dịch, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất an toàn.
Trước đó, trong ba đợt bùng phát dịch bệnh năm 2020, Việt Nam kiên trì với chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả.