Sáng 20/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sơ kết 3 năm thực hiện công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm thì thời gian qua, việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cúng tiến các biểu tượng, linh vật đã được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Tại nhiều địa phương, nhiều di tích bày đặt sư tử đá kiểu Trung Quốc, đèn đá kiểu Nhật Bản, lư hương đá, các đồ thờ, đồ trang trí không nằm trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích đã được di dời, dỡ bỏ. Một số địa phương đã thận trọng khi nhập khẩu văn hoá phẩm, đặc biệt là tượng linh vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
"Đại bộ phận người dân đã nhận thức rõ vấn đề sử dụng biểu tượng, linh vật, đặc biệt sử dụng phục vụ mục đích tâm linh. Các làng mỹ nghệ chuyển sang làm sản phẩm truyền thống. Hiện tượng cung tiến tràn lan vào di tích đã không còn, đặc biệt là chấm dứt cung tiến mới tượng sư tử đá ngoại lai vào các di tích đã được xếp hạng", Phó cục trưởng Cục Mỹ Thuật Trần Thị Thu Đông cho hay.
Theo bà Đông, nhiều hộ dân cũng đã tự động di dời biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Việc ngăn chặn, loại bỏ các hiện vật ngoại lai không phù hợp tại các di tích lịch sử, văn hoá, công sở đã được bầu chọn là một trong những sự kiện văn hoá tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2014.
Tuy nhiên, Cục phó Mỹ thuật cho biết, vẫn còn một số người dân, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý về văn hoá không phân biệt được biểu tượng, linh vật có nguồn gốc nước ngoài. Một số di tích đã xếp hạng còn trưng bày đồ thờ, tượng sư tử đá kiểu Trung Quốc, châu Âu, đèn chùm, đèn lồng, hoa trang trí... chưa phù hợp với truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, một số cán bộ quản lý còn buông lỏng, ngại va chạm vấn đề tâm linh, chưa sâu sát di tích và địa phương để tìm cách tháo gỡ.
"Không nên vay mượn văn hoá"
GS Trần Lâm Biền cho rằng, muốn thực hiện tốt công văn 2662 thì phải giải thích cho người dân hiểu, từ đó nhận thức rõ đâu là linh vật Việt, đâu là ngoại lai để có cách ứng xử phù hợp.
Đơn cử sự khác nhau giữa linh vật sư tử Trung Quốc và sư tử Việt Nam, nhà nghiên cứu nói sư tử Trung Quốc phơi diễn hình thức bởi những bắp thit, sự hung dữ và có tính chất đe doạ, xuất hiện ở các lăng mộ, hay ở cổng cơ quan chính quyền thời xưa, bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp thống trị, còn sư tư ở Việt Nam không như vậy. Linh vật ở Việt Nam thường có tính chất hoà đồng với con người, vì con người mà tồn tại, tạo mưa thuận gió hoà.
"Phải giải thích với người dân về vẻ đẹp của các biểu tượng, linh vật Việt Nam, từ đó họ có sự tự hào về văn hoá chứ không phải đem những linh vật lai căng ra ngoài vườn cất rồi đến một lúc nào đó lại sử dụng", GS Trần Lâm Biền nói.
TS Trần Hậu Yên Thế nêu thực tế, từ năm 2006, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã di dời cặp sư tử đá thời Minh, Thanh ra khỏi cơ quan của họ, để hình ảnh cơ quan công quyền trở nên nhẹ nhàng. Như huyện Hồ Bắc đã di dời 19 cặp sư tử đá vì bản thân những người ở đây cũng không chịu được những linh vật trợn mắt, há miệng đứng ở cổng.
"Người Việt có nhiều hình ảnh đẹp, tại sao phải vay mượn hình ảnh từ nước ngoài. Bản sắc của cơ quan, doanh nghiệp là do chính mình chứ lại lấy của công ty nước ngoài là sự xúc phạm và nhầm lẫn văn hoá.", TS Thế nói và cho hay vừa mới hôm qua, ông chụp hình đôi sư tử to bậc nhất ở Hà Nội được đặt trước cổng một công ty. Theo ông hình ảnh này là không phù hợp.
"Ở Trung Quốc, ở các ngân hàng trước đây cũng có nhiều cặp sư tử đá nhưng người ta đã đặt câu hỏi, tại sao ở cơ quan dịch vụ tài chính lại cần uy hiếp người dân? Vì vậy, họ cũng yêu cầu dẹp bỏ", TS Thế thông tin thêm.