Tháng 11/2009, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa le lói tín hiệu phục hồi sau chuỗi giảm sâu của tháng 10. Đúng lúc ấy, nhận định “thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn nghỉ ngơi và chỉnh đốn” được đưa ra khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất bình. Khắp các diễn đàn mạng, các sàn giao dịch hay điểm hẹn của dân chứng khoán, nhận định ấy được đem ra mổ xẻ, bàn tán trong khi tác giả của nó, ông Phạm Kinh Luân cũng không tránh khỏi cái tiếng “thích đi ngược dòng”.
Không quá bận tâm đến những xì xào dư luận, ông Luân khi đó cho rằng nhận định đúng hay sai, chỉ có thể do thực tế trả lời: “Phân tích chứng khoán không giống với uống bia. Bia chua thì có thể không uống chứ sản phẩm phân tích, cứ phải dùng một vài lần mới biết là đúng hay sai”.
Sự so sánh này có lẽ bắt nguồn từ sở thích uống bia của người đàn ông với chòm râu quai nón màu xám và dáng vẻ ngang tàng này. Nơi người ta dễ gặp ông nhất là một quán bia khá nổi tiếng trên đường Bát Đàn (Hà Nội) vào mỗi buổi chiều. “Nếu cứ bon chen làm môi giới với tự doanh như trước kia, có lẽ tôi chẳng có thời gian thảnh thơi như thế này”, ông Luân chia sẻ.
Chuyên gia chứng khoán Phạm Kinh Luân. Ảnh: P.A |
Quyết định “lui về” làm chuyên gia phân tích chứng khoán được Phạm Kinh Luân đưa ra sau vụ lùm xùm năm 2007, khi ông là nhân vật chính trong câu chuyện bổ nhiệm Tổng giám đốc kỳ lạ nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. “Tôi chỉ biết mình đang là Tổng giám đốc khi bạn bè gọi điện chúc mừng dù chưa hề biết công ty đó mặt mũi ra sao”, ông Luân cho biết. Năm đó, người ta đã “mượn” hồ sơ của ông Luân để thành lập Công ty chứng khoán Thiên Việt, rồi phong chức Tổng giám đốc mà không cần khổ chủ đồng ý.
Từ sau lần đó ông Luân trở thành một chuyên gia phân tích độc lập tại công ty chứng khoán Vàng mà nay đổi tên thành công ty chứng khoán Kenaga.
Khi được hỏi lý do khiến ông Luân chỉ muốn làm phân tích và nghiên cứu mà không thực hiện các nghiệp vụ “hot” nhất của ngành chứng khoán là môi giới và tự doanh thì chuyên gia này từ chối trả lời. Tuy nhiên, nhà phân tích chứng khoán này bình luận: “Làm môi giới cũng giống như đi vào rạp chiếu phim và ngồi cạnh cô nào mình cũng xin… hôn một cái. Sẽ thường xuyên bị tát nhưng cũng được không ít nụ hôn”.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán từng làm việc với ông Luân cho biết: “Về nghiệp vụ thì anh ấy rất tốt nhưng tính lại hơi gàn gàn nên làm môi giới và tự doanh không hợp. Những nghiệp vụ này cần sự linh động cao và phải chấp nhận cả những mặt trái của nó mà anh Luân thì không thích nên từ chối làm là tốt nhất”.
Ngoài kinh nghiệm nhiều năm thăng trầm cùng thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Luân từng có 12 năm làm phân tích chính sách tại một viên nghiên cứu của nhà nước.
Trải qua thăng trầm tại nhiều công ty chứng khoán với rất nhiều biến động thú vị nhưng ông Luân luôn từ chối khi được hỏi về chuyện cũ. “Chứng khoán là ngành nói về tương lai và chỉ nên nghĩ về nó thôi. Người ta phân tích triển vọng công ty chứ có ai đem quá khứ ra mổ xẻ đâu”, ông Luân nói. Chuyên gia này cho biết thêm, làm chứng khoán khiến ông trẻ trung bởi luôn nghĩ đến tương lai chứ không gặm nhấm quá khứ.
Trở thành chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Kenaga và hiện giờ là Giám đốc Khối nghiên cứu và tư vấn đầu tư, ông Luân cũng gây chú ý và tranh cãi với tư vấn “hãy di ngược đám đông” trong một số bản nhận định thị trường. Chuyên gia này cho biết việc làm của mình hiện nay chỉ là giúp nhà đầu tư trả lời 3 câu hỏi: mua cái gì; khi nào; và với giá bao nhiêu.
Ngoài tư vấn “hãy đi ngược đám đông”, một điểm khác biệt của chuyên gia chứng khoán này là hầu như không bao giờ “bám sàn”. “Nếu anh hỏi tôi hôm nay cổ phiếu nào lên, lên bao nhiêu thì chẳng bao giờ tôi biết. Tôi không dán mắt vào bảng điện tử. Thời gian đó, tôi làm việc khác có ích hơn”, ông Luân nói.
Việc mà ông Luân cho rằng “có ích hơn” là theo dõi hoạt động của doanh nghiệp. Có như vậy mới biết những điều họ “vẽ” ra trong kế hoạch kinh doanh là thật hay đùa, chuyên gia này nói.
Bình luận về việc một số doanh nghiệp công bố các chiến lược rất hoành tráng với nhà đầu tư, ông Luân so sánh với hình ảnh anh phi công nói với hành khách là sẽ đi với họ đến cùng trời cuối đất. Thế nhưng, khi vào buồng lái thì anh này đeo sẵn dù. “Đi với những ông như vậy thì tốt nhất là bạn nên mang theo 2 chiếc dù và ngồi gần cửa”, ông Luân hài hước.
Theo ông Luân, rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam hiện nay muốn lướt sóng nhưng lại không có thời gian “bám sàn” và đây chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều bi kịch chứng khoán. “Phải dán chặt mắt vào màn hình thì mới kịp mua và bán đúng thời điểm, chứ phải đi làm chỉ thỉnh thoảng mới có thời gian ngó qua thì làm sao mà lướt sóng hiệu quả được”, chuyên gia này nhận xét.
Nhận định về thị trường chứng khoán năm nay, ông Luân nói: “Năm trước là Kỷ Sửu tức là đầu tư kiểu con trâu, có thể ăn tạp. Cứ cỏ là ăn, đôi khi no quá thì nhè ra, đói thì ăn lại. Thế nhưng sang năm Canh Dần thì khác. Con hổ thì săn cả bầy hươu nhưng chỉ bắt đúng một con. Khi bắt được rồi thì lôi ra một chỗ ăn và nằm ngủ, ai làm gì cũng mặc. Có thế thì mới thành công”. Nhà phân tích này nói thêm, nhiều nhà đầu tư vẫn cứ thích ăn tạp như năm Kỷ Sửu nên mới bị “sóng đè”, chứ nếu ăn no rồi nằm yên chờ thì tình hình đã khác.
Nhật Minh - Hoàng Ly