Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ bài viết tác dụng và các nghiên cứu nổi bật về keo ong. Bà hiện là Trưởng khoa Dược, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Keo ong trong tiếng Hy lạp là propolis, tức hỗn hợp gồm một loại nhựa cây trộn với chất tiết ra từ tuyến nước bọt của ong mật. Loài vật này sử dụng chất keo để hàn kín tổ, giúp bảo quản mật, bảo vệ sự phát triển của ấu trùng và trứng khỏi sự tấn công của virus, cũng như bảo vệ bản thân chúng. Do đó, keo ong được coi là chất "kháng sinh tự nhiên".
Trong xu hướng phòng và trị bệnh hiện nay, mọi người thường chuộng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Do đó khoảng 15 năm trở lại đây, chất keo của loài ong thuộc chi Apis (ong mật) được nghiên cứu nhiều ở các nước phát triển.
Thành phần hóa học trong keo ong phụ thuộc vào vị trí địa lý, nhựa cây và loài ong. Vì vậy, chất lượng keo ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau.
Có thể tạm chia keo ong thành hai loại: loại có tác dụng kháng oxy hóa và kháng khuẩn mạnh (điển hình là keo ong ở các nước Nam Mỹ như Brazil, Mexico), do thành phần chính chứa các nhóm hợp chất flavonoid, polyphenol... ; loại có khả năng kháng ung thư (ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á) nhờ chứa các nhóm hợp chất triterpene khung cycloartane.
Trong nhiều công trình nghiên cứu về keo ong trên thế giới, keo ong xanh của Brazil là nhiều nhất, với các đặc tính nổi bật như sau:
Hoạt tính kháng khuẩn: là tác dụng nổi trội nhất của keo ong xanh Brazil, kháng nhiều loại vi khuẩn Gram âm và Gram dương, vi khuẩn hiếu khí lẫn kỵ khí có hại trong cổ họng, nướu răng, ruột hoặc dạ dày... Do đó các sản phẩm từ keo ong xanh được ví là chất "kháng sinh tự nhiên".
Hoạt tính kháng virus: có thể kháng các loại virus như Herpes simplex (HSV-1), HIV, cúm H1N1. Trước bối cảnh thế giới chống chọi Covid-19, các nghiên cứu quốc tế còn cho thấy keo ong xanh có tác dụng kháng virus SARS-CoV-2 và giảm quá trình viêm do virus này gây ra.
Tháng 3 vừa qua, Sliveira M.A.D và các cộng sự đã trình bày đề án "Biomedicine & Pharmacotherap", đăng trên ScienceDirect. Họ nghiên cứu lâm sàng trên 124 bệnh nhân nhiễm nCoV tại Brazil. Những người này được cho uống thêm keo ong xanh để hỗ trợ điều trị và kết quả khá khả quan.
"Cụ thể, trường hợp bổ sung keo ong xanh kèm điều trị Covid-19 theo phác đồ tiêu chuẩn có số ngày nằm viện (6-7 ngày) ít hơn người không dùng (trên 12 ngày). Dù lượng bệnh nhân được nghiên cứu còn ít, nhưng Sliveira M.A.D và nhóm của anh cũng nhận thấy đối tượng dùng keo ong xanh khi chữa nCoV ít bị tổn thương thận hơn. Họ lý giải điều này rất quan trọng vì khi tổn thương thận cấp tính, người bệnh Covid-19 dễ dẫn đến tử vong", theo ScienceDirect.
Ngoài các hoạt tính trên, keo ong còn tăng cường hệ miễn dịch, làm lành các vết thương, chống viêm loét dạ dày, chống oxy hóa, bảo vệ gan và có tác dụng dưỡng da mặt hoặc tóc.
Các nhà khoa học cũng chứng minh sỡ dĩ keo ong xanh Brazil có nhiều hoạt tính sinh học quý giá là do chứa loạt hợp chất flavonoid và acid phenolic như kaempferide, isosakuranetin, artepillin C, baccharin, acid p-coumaric, acid caffeic...
Trong đó, artepillin C - dẫn xuất của acid p-coumaric - chứa các nhóm prenyl, là thành phần chính của keo ong xanh. Chúng có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch, hạ đường huyết, bảo vệ thận và dạ dày...
Hiện Brazil nuôi ong mật chỉ để thu hoạch keo, cung cấp nguyên liệu và các sản phẩm về keo ong lớn nhất thế giới.
Tôi cùng cộng sự từng thực hiện các nghiên cứu về loạt keo ong trên thế giới lẫn Việt Nam, đồng thời sử dụng chúng để khắc phục cảm cúm, nhiễm khuẩn suốt ba năm qua, chúng tôi nhận thấy chế phẩm này rất tốt, có thể giúp trẻ có nền tảng sức khỏe tốt mà không cần dùng kháng sinh.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Theo ScienceDirect, TandfOnline)