Ngày 25/10, Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam (VCCA) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp về Bảo vệ Bản quyền và Tri thức tại Việt Nam tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn thảo luận, nơi các chuyên gia, doanh nghiệp, và nhà hoạch định chính sách cùng chia sẻ các giải pháp bảo vệ bản quyền, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số. Chương trình có sự tham gia đồng hành của Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Công thương Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch VCCA nhấn mạnh, kỷ nguyên số và Internet mang đến nhiều cơ hội, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận các tác phẩm văn học, nghệ thuật và các bản ghi âm, ghi hình ở bất cứ nơi nào và vào bất cứ thời gian nào. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ bản quyền và khuyến khích sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa.
Bà Lâm Thị Oanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghệ Sáng tạo và Bản quyền Việt Nam, cũng nêu bật vai trò ngày càng lớn của thị trường nội dung số trong cuộc sống hiện đại. Bà cho biết, các nền tảng kỹ thuật số đã thay đổi cách chúng ta tiếp cận và tiêu thụ nội dung, cho phép các tác phẩm nghệ thuật số hóa dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu, từ đó mở rộng xuất khẩu văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế số. Việc chuyển đổi số giúp các nhà sáng tạo giảm chi phí và tăng độ nhận diện, nhưng cũng đồng thời tạo ra thách thức lớn về bảo vệ bản quyền trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Thị trường nội dung số cạnh tranh, song hiện nay rào cản là thiếu cơ chế, chính sách. Đề cập đến thực trạng hiện nay, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan chưa cao. Các thành phần sáng tạo chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Sự phát triển nhanh chóng, phức tạp của công nghệ, đặc biệt trên môi trường số dẫn đến việc xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng phức tạp.
Nhắc đến vụ việc "sói Wolfoo và Peppa Pig", Tiến sĩ Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết quyền sở hữu trí tuệ là một trong những đối tượng có thể trở thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu không có những đánh giá cụ thể, chúng ta phải trả giá đắt. Doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều tiền, thời gian để giữ được hoạt động kinh doanh bình thường. Do đó, tiến sĩ Hồng cho rằng Việt Nam đang chuyển dần từ một nước sử dụng sang nước tạo ra tài sản trí tuệ để phát triển sản xuất, kinh doanh và với các tiêu chuẩn mới, doanh nghiệp buộc phải thích nghi, nỗ lực và "nếu thành công sẽ rất lớn, tạo ra các kỳ lân trong đổi mới sáng tạo".
Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh bản quyền không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn là "vấn đề đạo đức, văn hóa và trí tuệ của một quốc gia." Ông bày tỏ lo ngại rằng, nhiều người sáng tạo không nhận được sự tôn vinh và lợi ích xứng đáng, trong khi những người kinh doanh lại thu về lợi nhuận lớn từ các sản phẩm trí tuệ này. Tiến sĩ Hợp khẳng định, việc nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để bảo vệ tài sản trí tuệ của quốc gia và ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám.
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã từng bước gia nhập các hiệp định quốc tế quan trọng, bao gồm Hiệp định TRIPS (WTO), CPTPP, Hiệp định Việt Nam - EU, và RCEP, cùng với việc tham gia vào nhiều công ước quốc tế như Công ước Berne (2004), Công ước Rome (2007). Ông Bùi Nguyên Hùng cho biết, những nỗ lực này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại các nước thành viên, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong bảo vệ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ.
Việc bảo vệ bản quyền trong môi trường số hóa, mặc dù đầy thách thức, nhưng là điều không thể thiếu để xây dựng một nền kinh tế tri thức bền vững. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, VCCA cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà sáng tạo để thúc đẩy sáng tạo và bảo vệ bản quyền, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, sáng tạo và bền vững.
Diễn đàn Doanh nghiệp về Bảo vệ Bản quyền và Tri thức tại Việt Nam là một bước tiến lớn trong hành trình bảo vệ tài sản trí tuệ của quốc gia. Với cam kết từ VCCA và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, diễn đàn sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp, nhà sáng tạo và các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo vệ bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ, từ đó xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
(Nguồn và ảnh: VCCI)