Chia sẻ được đưa ra trong Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2024 do khoa Kinh doanh của trường tổ chức. Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế tại RMIT cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nằm ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp.
Ví dụ, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, hầu hết trong số này được xuất khẩu dưới dạng hạt thô. Tương tự với ngành dệt may, Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng nhiều công ty chỉ tập trung vào gia công.
"Kết quả là chỉ còn doanh thu khiêm tốn ở lại Việt Nam", bà nói.
Trong khi đó, Thụy Sĩ là một ví dụ hoàn toàn ngược lại. Mặc dù nước này không thể trồng hạt ca cao thô do khí hậu, nhưng nổi tiếng thế giới với nhiều thương hiệu chocolate cao cấp như Lindt và Toblerone, theo nữ tiến sĩ.
Tiến sĩ Đặng Thảo Quyên nhận định thêm, để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam và cải thiện GDP bình quân đầu người, doanh nghiệp trong nước nên áp dụng những hướng tiếp cận sáng tạo bằng cách tập trung vào việc xây dựng năng lực dài hạn từ những bước đầu tiên, nâng cao lợi thế cạnh tranh và mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Nhiều người giữ quan điểm truyền thống rằng doanh nghiệp nên có vị thế vững chắc trên sân nhà trước khi "đem chuông đi đánh xứ người". Tuy nhiên, các đơn vị có thể làm cả hai cùng lúc hoặc xem xét mở rộng ra nước ngoài ngay sau khi có chỗ đứng trên thị trường nội địa.
"Việc các thương hiệu Việt có mặt trên thị trường toàn cầu có thể không quá xa vời nếu chúng ta thay đổi tư duy và hành động phù hợp", bà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Natalie Thuận Ngô đến từ Amazon Global Selling Vietnam cho rằng, những thương hiệu này không nhất thiết phải đến từ các ông lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tạo nên những sản phẩm "cây nhà lá vườn" hấp dẫn người tiêu dùng toàn cầu.
Thương hiệu thời trang của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, một trong những khách mời tại sự kiện Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu của RMIT, có thể là một ví dụ diển hình. Tuy chỉ mới lấn sân sang thị trường quốc tế chưa lâu, các thiết kế của nhãn được nhiều ngôi sao quốc tế diện tại sự kiện tầm cỡ như Oscar, Grammy hay Cannes.
"Bằng cách tập trung vào sự kết hợp giữa các giá trị, câu chuyện văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam với sự sáng tạo hiện đại, khả năng linh hoạt trong làm sản phẩm, giá cả cạnh tranh, tay nghề thủ công cao, Lê Thanh Hòa cũng như các thương hiệu thời trang Việt có nhiều cơ hội ở thị trường thời trang quốc tế", bà Quyên nhận định.
Phó giáo sư Abel D. Alonso - giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế tại RMIT cũng cho biết, nhiều công ty Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc gia tăng giá trị như một công cụ để tiếp cận thị trường quốc tế. Ví dụ, DACE Việt Nam đã hợp tác với hàng nghìn nông dân trong nước nhằm đạt được khả năng kiểm soát chất lượng cao hơn, cải tiến sản phẩm cuối cùng. Cách tiếp cận này đã đưa sản phẩm hữu cơ của DACE ra thế giới.
Chỉ hai năm sau khi thành lập vào năm 2013, DACE bắt đầu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2018, công ty đạt nhiều chứng nhận quan trọng như JAS Organic, EU Organic và USDA, từ đó, giúp mở ra cánh cửa đến các thị trường tiêu dùng khắt khe hơn và nâng tầm hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, dịch vụ sau bán hàng lại chưa được xem là một yếu tố quan trọng tầm quan trọng, trong khi hiệu suất xuất khẩu trong các hoạt động gia tăng giá trị như phát triển sản phẩm, nắm bắt thị trường, kỹ năng thương lượng, đàm phán, phân phối và quảng bá giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dù Việt Nam có nhiều cơ hội để củng cố vị thế trong các chuỗi giá trị trên toàn cầu, doanh nghiệp cũng phải giải quyết không ít thách thức.
Tiến sĩ Vũ Thị Kim Oanh - giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế tại RMIT chỉ ra, việc thiếu hụt cả lao động có tay nghề và lao động phổ thông có thể cản trở nỗ lực nâng tầm các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi xanh, nhu cầu sản xuất năng lượng quy mô lớn do sự phát triển kinh tế nhanh chóng, hay những điểm nghẽn trong cơ sở hạ tầng cũng là những thách thức không nhỏ. "Các tổ chức tài chính, đồng minh quan trọng của doanh nghiệp trong việc giúp họ phân bổ nguồn lực rất cần thiết, cũng đối mặt với khó khăn", bà nói.
Bà lấy ví dụ, trong trường hợp thiếu nguồn lực, doanh nghiệp phải nuôi dưỡng những thế hệ mới trên nhiều phương diện, bao gồm: năng lực số, phát triển sản phẩm hoặc quan hệ đối tác.
Điều này tương đồng với trải nghiệm thực tế của Artemis Digital, một công ty khởi nghiệp của Australia do ông Samuel Walter sáng lập. Đây cũng là một trong những lý do chính vì sao ông chọn Việt Nam làm điểm đến quốc tế đầu tiên cho doanh nghiệp mình.
Đối với ngành cà phê, doanh nghiệp cũng gặp thách thức về tài chính khi mua sắm thiết bị hoặc công nghệ mới; luật pháp, thủ tục hành chính.
"Hơn nữa, bằng chứng về khả năng truy xuất nguồn gốc hoặc sản xuất hữu cơ, cũng như các thủ tục chứng nhận nhằm tuân thủ các giao thức thị trường, có thể gặp phải nhiều rào cản và chi phí hành chính", bà cho hay.
Với chủ đề "Nâng cao giá trị gia tăng để mở rộng và cạnh tranh toàn cầu - Nói đi đôi với làm", Diễn đàn Kinh doanh toàn cầu 2024 đón diễn giả đến từ nhiều doanh nghiệp như Amazon Global Selling Việt Nam, Artemis Digital, Công ty công nghệ sinh học Dương Gia K&T, Công ty Lê Thanh Hòa và Công ty Organic Viet Food.
Các ví dụ kinh doanh thực tế được chia sẻ tại sự kiện đem lại kinh nghiệm cho những doanh nghiệp Việt khác muốn vươn tầm quốc tế.
(Nguồn và ảnh: RMIT)