Ông Trần Vũ Thanh, chuyên gia nhân sự 17 năm kinh nghiệm, đồng sáng lập Better You, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp đào tạo và tư vấn quản trị nhân lực, cho biết trong các cuộc phỏng vấn, ứng viên người Việt thường gặp sai lầm ở hai nhóm câu hỏi về kinh nghiệm làm việc và cách xử lý tình huống.
Thông thường, các câu hỏi chia thành ba nhóm chính.
Nhóm đầu tiên là các câu hỏi xác nhận thông tin, nhằm kiểm tra tính chính xác của nội dung trong CV, đồng thời đánh giá nền tảng và cách ứng viên trình bày bản thân.
Nhà tuyển dụng có thể hỏi "Giới thiệu về bản thân bạn?", "Bạn đã làm những công việc gì ở vị trí trước đây?" hoặc "Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?". Mục đích của những câu hỏi này để xác nhận thông tin cá nhân và chuyên môn. Để trả lời tốt, ứng viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo thông tin rõ ràng, mạch lạc và phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Ảnh minh họa: Timeo-performance
Nhóm thứ hai tập trung vào kinh nghiệm làm việc thực tế. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã làm gì, cách xử lý công việc trong quá khứ và năng lực thực sự. Một số câu hỏi thường gặp bao gồm: "Bạn từng quản lý dự án nào chưa?", "Bạn xử lý khách hàng khó tính như thế nào?" hay "Hãy kể một lần bạn gặp áp lực trong công việc?".
Để trả lời hiệu quả, ứng viên nên áp dụng công thức SOAR, nêu rõ tình huống cụ thể (situation), trở ngại (obstacle) gặp phải, cách bạn đã hành động (action) và kết quả (result) đạt được. Việc thể hiện kinh nghiệm một cách logic và thuyết phục sẽ giúp ứng viên ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Ví dụ với câu hỏi "Bạn có thể chia sẻ một ví dụ về thành tích lớn nhất của mình trong công việc trước đây?". Trả lời theo công thức trên gồm: (S) Tại công ty trước, tôi lãnh đạo một dự án phát triển sản phẩm mới, khi công ty đang chịu áp lực cạnh tranh lớn; (O) Mục tiêu là hoàn thành trước thời hạn hai tháng để ra mắt sớm, tạo lợi thế cạnh tranh; (A) Tôi xây dựng lộ trình rõ ràng, phân chia công việc, dùng công cụ quản lý thời gian và tổ chức họp hàng tuần để kiểm soát tiến độ. (R) Dự án hoàn thành trước một tháng, giúp công ty tăng doanh thu 15% và nhận phản hồi tích cực từ khách hàng.
Lưu ý mô hình SOAR là cơ hội tốt để bạn thể hiện điểm mạnh của mình. Hãy làm rõ bạn đã chủ động như thế nào và thể hiện kết quả qua các con số, ví dụ doanh thu tăng 20%, tiết kiệm 10% chi phí.
Nhóm thứ ba là những câu hỏi tình huống. Đây là nhóm câu hỏi khiến nhiều ứng viên bị loại nhất. Trước dạng câu hỏi này, nhiều người mắc sai lầm khi cố gắng đưa ra ngay một giải pháp, trong khi điều quan trọng là tư duy logic trong cách tiếp cận vấn đề.
Nhà tuyển dụng không chỉ muốn nghe câu trả lời, còn muốn đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, khả năng phân tích và cách ứng viên tư duy trước một tình huống thực tế.
Chẳng hạn, khi nhận được câu hỏi: "Nếu nhân viên trong nhóm làm việc thiếu chủ động, bạn sẽ làm gì?", nhiều ứng viên sẽ mắc sai lầm khi trả lời: "Tôi sẽ lập kế hoạch công việc cụ thể hơn, giao KPI rõ ràng và giám sát chặt chẽ".
Đây là câu trả lời không tốt vì ứng viên đi thẳng vào giải pháp mà chưa tìm hiểu nguyên nhân thực sự của vấn đề. Có thể nhân viên thiếu chủ động do quá tải công việc, thiếu hướng dẫn hoặc môi trường làm việc không khuyến khích sự chủ động.
Một câu trả lời tốt hơn sẽ là: "Trước khi đưa ra giải pháp, tôi sẽ tìm hiểu lý do tại sao nhân viên thiếu chủ động. Tôi sẽ trao đổi với họ và các bên liên quan để xác định nguyên nhân xuất phát từ quy trình, văn hóa làm việc hay yếu tố khác. Khi đã xác định được nguyên nhân gốc rễ, tôi sẽ cùng team thảo luận để tìm ra giải pháp phù hợp nhất". Cách tiếp cận này giúp ứng viên thể hiện tư duy phân tích thực tế và hiệu quả hơn thay vì chỉ đưa ra một giải pháp mang tính chủ quan.
"Hãy biến câu hỏi này thành cơ hội để nổi bật giữa hàng trăm ứng viên khác, vì thành công trong phỏng vấn không hẳn đến từ câu trả lời 'đúng', mà đến từ cách bạn tư duy", ông Thanh nói.