Bà Nguyễn Ngọc Linh cho biết, việc đánh giá mức độ rủi ro của các mã cổ phiếu giúp nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư F0 có thể tránh được những cổ phiếu không phù hợp và hạn chế mất mát mang trong quá trình đầu tư.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhà đầu tư có thể quan sát hoặc tìm kiếm thông tin để loại trừ các cổ phiếu mang tính rủi ro cao.
Biến động giá cổ phiếu bất thường
Nếu không ưa thích mạo hiểm, khi nhìn vào lịch sử đồ thị giá của cổ phiếu dự định giao dịch, nhà đầu tư có thể loại bỏ ngay những cổ phiếu có biến động giá mạnh. Đó là những cổ phiếu nếu giảm giá, sẽ sàn nhiều phiên liên tiếp. Còn khi tăng, cổ phiếu sẽ tăng một loạt các phiên trần. Loại cổ phiếu này thường mang tính đầu cơ cao, các nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm thường dễ thất bại nếu đu bám theo các cơ hội như vậy.
Doanh nghiệp liên tục phát hành cổ phiếu tăng vốn trong thời gian ngắn
Nhà đầu tư nên quan tâm đến việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu phục vụ cho mục đích kinh doanh gì và tính khả thi của dự án đó. Khi phát hành cổ phiếu tăng vốn, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực từ việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Nếu mảng kinh doanh hay dự án đó của doanh nghiệp chưa mang lại doanh thu ngày sẽ dẫn đến việc tốc độ tăng trưởng lợi nhuận không theo kịp tốc độ tăng vốn. Điều này khiến các chỉ số sinh lời của công ty sụt giảm, từ đó, làm cổ phiếu kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Lúc này, cổ phiểu cần có một mức định giá phù hợp để chờ sự tăng trưởng sau khi các mảng kinh doanh mới được ghi nhận lợi nhuận.
Ngoài ra, việc phát hành cổ phiếu tăng vốn nhanh bất thường có thể là "chiêu" tăng vốn ảo của doanh nghiệp. Để nhận biết rủi ro này, nhà đầu tư có thể đọc bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chú ý số liệu về vốn góp của chủ sở hữu hoặc phần tiền thu từ phát hành cổ phiếu. Việc đọc báo cáo tài chính để phát hiện ra dấu vết "ảo" cần nhà đầu tư dành nhiều thời gian và bổ sung kiến thức tài chính khi tham gia thị trường chứng khoán.
Phát hiện cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng bất thường
Nhà đầu tư nên chú ý hai yếu tố: biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của công ty. Biên lợi nhuận gộp (gross profit margin) cho biết tỷ lệ phần trăm của doanh thu còn lại sau khi trừ chi phí sản xuất. Nếu tỷ lệ này quá thấp so với các doanh nghiệp khác trong ngành hoặc của chính doanh nghiệp trong quá khứ, công ty có thể đang và sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.
Cổ phiếu của các công ty có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng và ổn định thường được đánh giá cao hơn. Nếu lợi nhuận sau thuế giảm hoặc không tăng, cổ phiếu có thể đối mặt với rủi ro giảm giá trong tương lai.
Lợi nhuận khác và lợi nhuận tài chính bất thường
Chất lượng lợi nhuận luôn cần được quan tâm khi thấy doanh nghiệp có tăng trưởng đột biến. Nếu lợi nhuận này đến từ những khoản không mang tính bền vững cao và không liên quan đến hoạt động kinh doanh như lợi nhuận khác hay lợi nhuận tài chính, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ mức độ rủi ro. Bởi lẽ khoản lợi nhuận này chỉ có tính chất thời điểm và nên loại trừ khi đánh giá giá trị cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư cũng sẽ nhìn thấy cơ hội ở các cổ phiếu có các khoản lợi nhuận bất thường sẽ được hạch toán trong tương lai. Việc nhìn nhận ra cơ hội và nắm bắt sẽ tạo ra các "cú hích" trong đầu tư. Song, sự "bất thường" đến từ lợi nhuận tài chính hay lợi nhuận gộp có thể khiến hướng đầu tư "chệch" khỏi quỹ đạo. Trước khi đón đầu những cơ hội này, nhà đầu tư nên có kịch bản giao dịch trong trường hợp diễn biến không như mong đợi.
Tình hình nợ và khả năng chi trả nợ vay của doanh nghiệp
Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là thước đo quan trọng để doanh nghiệp đánh giá năng lực, rủi ro tài chính tiềm ẩn và có biện pháp ứng phó phù hợp. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tăng liên tục và luôn cao bất thường cho thấy doanh nghiệp có 1 đồng vốn nhưng liên tục gánh nợ gia tăng trên 1 đồng vốn của mình. Câu hỏi các nhà đầu tư nên đặt ra lúc này là nợ vay tăng nhanh thì mảng kinh doanh nào đang bù đắp cho lãi vay và khả năng trả nợ của doanh nghiệp để lấy lại cân bằng giữa vốn chủ sở hữu và nợ vay.
Để tính toán được tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư có thể áp dụng công thức D/E với các chỉ số trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể:
D/E = Nợ phải trả : Vốn chủ sở hữu
Đối với doanh nghiệp, khi hệ số D/E nhỏ hơn 1, tức tỷ lệ nợ thấp hơn phần vốn chủ sở hữu, phản ánh việc doanh nghiệp đang quản lý rủi ro từ những khoản nợ tốt. Tuy nhiên, khi tỷ lệ này đặc biệt thấp cũng không phải việc tốt, nó cho thấy doanh nghiệp đã đi vào vùng tăng trưởng ổn định và không có cơ hội kinh doanh mới. Tùy vào từng ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp, giá trị hệ số sẽ thay đổi. Thực tế, ngành sản xuất có D/E trên dưới mức 2 là điều bình thường, nhưng các ngành về công nghệ lại chủ yếu xoay quanh mức 0,5.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm liên tục
Nếu quyết định xuống tiền cho một mã cổ phiếu của doanh nghiệp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm liên tục trong nhiều năm, nhà đầu tư phải cẩn trọng. Bởi sự thiếu hụt nguồn tiền này sẽ khiến doanh nghiệp phải gia tăng dòng tiền từ hoạt động tài chính để làm vốn lưu động.
Lúc này, áp lực trả lãi vay sẽ tác động tiêu cực lên lợi nhuận và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Do đó, nhà đầu tư cần xem lại bảng lưu chuyển tiền tệ trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nếu tình trạng âm kéo dài không do việc mở rộng kinh doanh hay đầu tư, chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động kém hiệu quả.
Các yếu tố ngoại cảnh
Các yếu tố bên ngoài công ty như thị trường, chính sách, các yếu tố kinh tế và chính trị cũng có thể gây ảnh hưởng đến rủi ro cổ phiếu. Ngoài ra, các yếu tố bên trong như thay đổi một loạt các nhân sự cấp cao cũng là khía cạnh nhà đầu tư cần xem xét nguyên nhân để đưa ra đánh giá phù hợp.
Hồng Thảo