Chuỗi chương trình gồm bốn chuyên đề, số đầu tiên nói về "Bức tranh chuyển đổi số sau đại dịch", diễn ra vào ngày 15/9. Qua sự kiện, ban tổ chức mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số, giải đáp các thắc mắc từ tổng thể đến chi tiết. Những thông tin liên quan đến chuyển đổi số được chuyển tải như định hướng, thời điểm, yếu tố cần - đủ, điểm mấu chốt, công cụ giúp cho doanh nghiệp đi đúng đường, rút ngắn thời gian, đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu rủi ro...
Nhằm giải quyết các câu hỏi lớn cho bài toán chuyển đổi số, chương trình có thêm ba chủ đề khác là "Go online làn sóng kinh tế Internet 2.0", "Số hóa hoạt động doanh nghiệp", "Số hóa tài sản và khởi tạo tài sản số".
Sự kiện tổ chức bởi Trung tâm quản lý tài sản số, Viện doanh nhân Việt Nam và Học viện UGA. Đơn vị bảo trợ gồm Hội liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Ngoài ra, Liên minh Chuyển đổi số DTS, Trung tâm Kinh doanh số, BeeST, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo, Btoday.vn, golfviet.vn và DNVN.net... góp phần hỗ trợ chương trình.
Trong sự kiện đầu tiên, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch VECOM chia sẻ, đơn vị hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi sự kiện liên quan chuyển đổi số, khái quát toàn cảnh thị trường hiện nay như thế nào, giải đáp các vấn đề xoay quanh khái niệm này.
Dịch Covid-19 bùng nổ và kéo dài tác động làm nền kinh tế ảnh hưởng, giãn cách khiến cho hoạt động doanh nghiệp ngưng trệ. Trong bối cảnh này, vai trò của chuyển đổi số ngày càng rõ nét khi tất cả hoạt động doanh nghiệp đều triển khai trên nền tảng trực tuyến.
"Chuỗi workshop tập trung bốn chủ đề bám sát thực tiễn giúp doanh nghiệp nhìn nhận vai trò, tầm quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch", ông Dũng nói.
Tiếp nối, Giáo Sư Augustine Hà Tôn Vinh - Chủ tịch Tổ hợp giáo dục và tư vấn quốc tế Stellar Management trình bày về xu thế chuyển đổi số trên thế giới và dự kiến bức tranh tại Việt Nam sau Covid-19.
Ông Lương Hoàng Hưng - Phó chủ tịch Liên hiệp khoa học doanh nhân Việt Nam; Tổng biên tập Sở hữu trí tuệ và sáng tạo cho biết, chuyển đổi số là hoạt động giúp doanh nghiệp áp dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, đơn giản hóa vận hành và quản lý doanh nghiệp. Giải pháp này sẽ giúp vận hành, duy trì các hoạt động giao thương trên thị trường.
Một lợi ích khác là cắt giảm chi phí vận hành, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tạo sự minh bạch trong quá trình điều hành, nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo sự tăng trưởng ổn định trong tương lai.
"Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện, cụ thể là phải thay đổi nhận thức ban lãnh đạo và nhân viên, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ, thay đổi chính sách kinh doanh, chuẩn bị nguồn nhân lực. Các đơn vị cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tổ chức triển khai ứng dụng số trong quản lý. Trong quá trình triển khai, công ty có thể tìm hỗ trợ của đơn vị tư vấn nhằm thiết lập hệ thống và lộ trình thích hợp", ông Hưng cho biết.
Bàn về các yếu tố cần và đủ, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam phân tích, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, Việt Nam sở hữu sáu lợi thế chính. Các lợi thế này gồm nhận thức và chủ trương đúng, kịp thời của Đảng và Chính phủ; ý chí và khát vọng của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, con người Việt Nam; không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ; hạ tầng công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng công nghệ phát triển rất nhanh; nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo và có khát vọng làm giàu; điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên...
Tuy nhiên, chúng ta đối mặt với những khó khăn, thách thức và cần phải phát huy sức mạnh, ưu điểm để thực hiện chuyển đổi số.
Theo ông Thắng, để thúc đẩy nhanh quá trình này, doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện 3M: muốn - thể hiện mong muốn, khát vọng; mần (làm) - phải làm ngay, máu lửa và quyết liệt; money (tiền) - tiềm lực để thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải chú ý quản trị rủi ro trong quá trình chuyển đổi số, từ rủi ro chiến lược, pháp lý, hoạt động, công nghệ, tài chính đến nguy cơ gian lận. Triển khai ứng dụng công nghệ số hóa hướng tới phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.
"Doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện cơ bản để có thể thực hiện ngay chuyển đổi số và là nhân tố thúc đẩy nhanh tiến trình quốc gia. Điều kiện tiên quyết là được kiến tạo cơ hội và doanh nghiệp nhận thức được cơ hội đó, dám nghĩ, dám làm để đi đến thành công", ông Thắng chia sẻ.
Chuyên đề đầu tiên còn đề cập về nội dung chuyển đổi số cùng công nghệ blockchain, trình bày bởi ông Nguyễn Hoàng Lê - Tổng giám đốc Công ty Tái cấu trúc - Chuyển đổi số Dr. SME và ông Ông Eric Vương - đồng sáng lập VNDC Stablecoin - Singapore, Chủ tịch TrustPay.
Đại diện ban tổ chức cho biết, những nội dung đưa ra giúp mọi người hình dung bức tranh khá rõ ràng và chi tiết về thị trường. Độc giả có thể theo dõi chuỗi chương trình với chủ đề tiếp theo mang tên "Go online làn sóng kinh tế Internet 2.0".
Minh Huy (Ảnh: VECOM)