Với chủ đề chính xoay quanh vấn đề mở đường bay thẳng Việt - Mỹ đang được nhiều doanh nghiệp hàng không và du lịch quan tâm, toạ đàm sẽ phân tích từ nhiều góc độ về cơ hội và thách thức khi khai thác đường bay dài tới Mỹ. Các chuyên gia cũng sẽ nói về những bài toán mà các hãng phải giải quyết nếu muốn mở đường bay tới Mỹ, cách khai thác hiệu quả thị trường này.
Chương trình do Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam tổ chức chiều 1/8 tại Bamboo Airways Tower (265 Cầu Giấy, Hà Nội) với sự tham gia của đại diện Chính phủ, các bộ ban ngành, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không, du lịch trong nước và quốc tế.

Tọa đàm "Bay thẳng Việt Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh" chỉ ra cơ hội và thách thức khi mở đường bay thẳng tới Mỹ.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Cục Hàng không Việt Nam hồi tháng 2. Sự kiện mở ra cơ hội triển khai đường bay thẳng giữa hai nước, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác liên danh với hãng hàng không Mỹ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hàng không đánh giá, CAT 1 mới chỉ là một điều kiện cần trong nhiều thủ tục khác phải hoàn tất để mở đường bay thẳng Việt - Mỹ, bao gồm các ràng buộc về mặt pháp lý, cơ chế, chính sách, hay bài toán về kỹ thuật, thị trường, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...
Công nghệ, kỹ thuật cũng là các yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới khả năng thương mại của đường bay này, xét theo các góc độ chi phí nhiên liệu và dòng máy bay sử dụng.
Dù chưa mở đường bay thẳng tới Mỹ, nhiều hãng cũng nguyên cứu thị trường này từ lâu. Nhiều đường bay được vận hành thông qua các điểm trung chuyển. Các chuyên gia đánh giá, Mỹ là một trong những thị trường hàng không giàu tiềm năng bởi quan hệ kinh tế, ngoại giao Việt - Mỹ những năm gần đây có bước phát triển vượt bậc.

Mỹ cũng là một thị trường hàng không giàu tiềm năng.
Về kinh tế, Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm. Kim ngạch thương mại hai chiều từ 450 triệu USD năm 1994 đã lên hơn 60 tỷ USD trong năm 2018, tăng 130 lần. Bên cạnh đó, lượng khách di chuyển giữa 2 quốc gia cũng tăng mạnh.
Mỹ cũng là đối tác toàn diện của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm Mỹ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Trong khi đó, Tổng thống Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ...
Trong chuyến thăm Việt Nam dự Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại lên tới hơn 21 tỷ USD.
Tâm Anh