Tại buổi sơ kết một năm thực hiện đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên" chiều 6/3 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin Việt Nam đang phải đương đầu với gánh nặng kép. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em ở mức cao, đặc biệt là ở khu vực khó khăn do bữa ăn còn thiếu cả số lượng và chất lượng. Trong khi đó, tình trạng ăn uống bất hợp lý, ăn thừa năng lượng thiếu dinh dưỡng khiến tỷ lệ trẻ em ở khu vực thành thị bị thừa cân, béo phì gia tăng.
Bác sĩ Phạm Thị Quỳnh Nga (đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện sức khỏe cho học sinh, trong đó tăng thời lượng hoạt động thể lực cho các em trong trường học chứ không chỉ ngoại khóa. Bởi theo một khảo sát, chỉ hơn 19% học sinh từ 13 đến 17 tuổi tham gia vận động đủ 60 phút mỗi ngày và năm ngày mỗi tuần.
"Hiện, các hoạt động thể dục thể thao trong trường học đã cải thiện lớn về chất lượng, giúp học sinh hứng thú hơn. Điều này cần được phát huy", bà Nga nói.
Cũng theo bà Nga, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần làm tốt việc hướng dẫn, truyền thông giáo dục tới học sinh và cả phụ huynh, ví dụ tuyên truyền để học sinh không uống nước ngọt nhiều, ăn nhiều rau, trái cây thay vì những đồ ăn chứa nhiều đường và muối. Những trường thực hiện bữa ăn học đường cũng cần chú ý đến điều này để tạo thói quen ăn uống cho học sinh.
TS Bùi Thị Nhung (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng việc giáo dục cho trẻ em lối sống lành mạnh và giáo dục thể chất qua các kênh rất quan trọng. Bà Nhung lấy ví dụ Nhật Bản, nhờ chương trình bữa ăn học đường và luật giáo dục dinh dưỡng, trẻ em ở Nhật có lối sống năng động, lành mạnh. Người Nhật sống thọ cũng nhờ lối sống lành mạnh từ nhỏ. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng vấn đề này.
Hiện Việt Nam triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng nhưng ở các vùng khó khăn, với mức thu chỉ 10 đến 15 nghìn đồng mỗi bữa, theo bà Nhung, rất khó để thực hiện một bữa ăn đủ năng lượng cơ bản chứ chưa nói gì đến dinh dưỡng. Hơn nữa, ở nhiều trường tiểu học, nhân viên nhà bếp không được tập huấn kỹ năng tốt, cơ sở nhà bếp chưa hoàn thiện. Nếu không khắc phục những điểm này, học sinh khó có được những bữa ăn an toàn.
Mặt khác, thừa cân, béo phì cũng liên quan đến những thực phẩm không lành mạnh nên cần có chính sách cấm tiếp thị, quảng cáo sản phẩm không tốt cho sức khỏe ở trong căng tin trường học hay những khu vực quanh trường, ví dụ đồ chiên rán được bán tràn lan ở các cổng trường.
Ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, nhận định nhiều trường học hiện tổ chức ăn bán trú nhưng thực tế không biết thế nào là đúng và đủ, công tác giáo dục thể chất còn lạc hậu, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh, sinh viên. Vì vậy, ông Tiến nhận định cần xây dựng thực đơn phù hợp trong các nhà trường và cải tiến chương trình học thể chất.
Ông Tiến thông tin thêm sắp tới Hải Phòng sẽ xây dựng hệ thống danh sách học sinh toàn tỉnh, mỗi em có một mã định danh, từ đó kiểm tra sức khỏe và theo dõi thường xuyên, thống kê xem mỗi năm có bao nhiêu em bị cận thị, gù lưng, béo phì, thừa cân.
Tiếp thu ý kiến chuyên gia, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng để nâng cao sức khỏe, học sinh cần được ngủ đủ giấc, ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường vận động đặc biệt là các môn giúp tăng chiều cao.
"Những yếu tố trên không cần mất nhiều tiền. Ví dụ việc vận động, sân chơi, bãi tập không cần quá cầu kỳ. Điều quan trọng là thầy cô phải giúp học sinh thấy tập thể thao là hữu ích, khiến các cháu thích vận động, tạo thành phong trào và trở thành thói quen suốt đời", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng hy vọng Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường, có thực đơn phù hợp với từng vùng miền, lứa tuổi; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn của chế độ thể lực phù hợp, xây dựng tài liệu hướng dẫn các bài tập nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Ngày 8/1/2019, Thủ tướng ký phê duyệt đề án Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% học sinh, 50% phụ huynh hiểu được lợi ích dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm; ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa trưa bán trú; 100% trường mầm non, phổ thông theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh; 100% thực hiện đầy đủ quy định về hoạt động thể lực, phấn đấu mỗi học sinh, sinh viên hoạt động thể lực 60 phút một ngày.