Ngày 15/7, tại Đà Nẵng, Viện sinh thái học miền Nam và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà", với sự tham gia của 180 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đại diện chính quyền Đà Nẵng.
Đây là hội thảo khoa học đầu tiên, từ sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà cuối năm 2016, gây nhiều tranh cãi thời gian qua.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh cho biết chính quyền thành phố đang rà soát tổng thể bán đảo Sơn Trà trên tinh thần cầu thị và cởi mở để hoàn thiện 3 loại quy hoạch: quy hoạch chung, quy hoạch du lịch và quy hoạch bảo tồn rừng đặc dung. "Tôi tin tưởng qua hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học giúp đưa ra những đề xuất, giải pháp hợp lý để phát triển bền vững Sơn Trà", ông Minh nói.
Được bảo tồn thì Sơn Trà sẽ đẻ ra tiền
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng bán đảo Sơn Trà là di sản thiên nhiên quý báu mà khi mất đi không bao giờ tái tạo lại được. Sơn Trà cũng không phải chỉ để ngắm, mà còn phục vụ mục đích kinh tế. Nhưng phục vụ kinh tế thì phải bảo tồn cho được di sản. Đó mới là phát triển bền vững.
Theo ông, bán đảo Sơn Trà trước đây là rừng cấm vì có yếu tố quân sự và cũng vì bảo tồn. Nhưng trong quá trình khai thác, diện tích rừng giảm từ hơn 4.000 ha xuống còn 2.500 ha, diện tích còn lại dành phục vụ du lịch. Ông Nghĩa nói khi xây dựng biệt thự ở Sơn Trà thì đại gia trong và ngoài nước sẽ đến mua để ở, và diện tích rừng còn lại cũng đứng trước nguy cơ bị khai thác, xâm hại.
"Họ sẽ tiếp tục hủy hoại 2.500 hecta rừng còn lại trong một ngày nào đó. Tôi ví dụ như vụ sân golf vừa qua ở sân bay Tân Sơn Nhất. Có những thứ cộng sinh được nhưng có những thứ không được. Bây giờ đòi hỏi Sơn Trà phải đẻ ra được tiền để nuôi mình là không hợp lý", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết, các quốc gia hiện đại trên thế giới gần các đô thị đều có một khu rừng. Người dân làm việc mệt mỏi, stress thì sẽ tìm đến để có không khí sạch nạp lại năng lượng. Điều đó giúp tái tạo sức lao động, làm cho chất lượng sống cao hơn và từ đó quay lại đẻ ra tiền.
"Tôi rất muốn đấu tranh để thuyết phục các nhà quản lý hiểu rằng, có nhiều cách khai thác và có những giá trị tinh thần rất quý. Nếu chúng ta bảo tồn Sơn Trà thì không sợ không đẻ ra được tiền mà lại đẻ ra được tiền rất bền vững. Tôi tin rằng rất nhiều người dân sẽ đóng góp để nuôi khu bảo tồn Sơn Trà", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Luật sư Nghĩa vừa dứt lời, phía dưới nhiều tiếng vỗ tay vang lên.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, đưa ý tưởng khai thác tour "tắm rừng" ở Sơn Trà. Đây là xu hướng đang khá thịnh hành ở Nhật Bản và một số nước châu Âu, khi con người được đắm chìm trong thiên nhiên sau những ngày làm việc mệt mỏi. Ở nước Nhật, du khách phải trả 80 USD cho mỗi giờ "tắm rừng".
"Du khách phải trả tiền để nhìn thấy vẻ đẹp tự nhiên Sơn Trà, không phải bê tông, đồi trọc do khai thác ngắn hạn", ông Vinh nói và đề nghị không xây thêm các hạng mục bê tông trên Sơn Trà, khi du khách đến tham quan phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về quy chế ứng xử với thiên nhiên, hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới gây tiếng ồn và ô nhiễm.
"Bảo tồn là vấn đề của cộng đồng, như thế mới bền vững chứ không nên giao khoán tài sản quý báu như Sơn Trà, sẽ rất rủi ro. Nếu không cẩn trọng là sẽ phải xin lỗi thế hệ mai sau", ông Vinh nói.
Bảo tồn và phát triển kinh tế 'không chung đường'
Đánh giá cao những giá trị đa dạng sinh học, lá phổi xanh giúp tái tạo không khí, "túi nước ngọt", nhiều nhà khoa học cho rằng vấn đề bảo tồn và phát triển kinh tế ở Sơn Trà thời điểm này "không thể đi chung đường".
Dẫn ý kiến của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tiền không tái tạo được giá trị của Sơn Trà, ông Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, nói: "Chủ trương của chúng ta là phát triển theo bảo tồn vì vậy lựa chọn cho Sơn Trà chỉ có một, đó là bảo tồn. Nếu có phát triển du lịch thì không có lưu trú".
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam, cho rằng nếu chúng ta phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc đánh đổi một phần thiên nhiên, còn nếu chọn bảo tồn thiên nhiên thì phải loại bỏ kinh tế.
"Chúng ta chọn chân dài đầu đất hay chân ngắn thông minh?", ông Trí ví von và cho rằng người quyết định cuối cùng là UBND TP Đà Nẵng, người dân thành phố chứ không phải ai khác.
Theo ông Trí, câu chuyện ở Sơn Trà là "hành động địa phương nhưng tác động toàn cầu". "Chúng ta phải đặt ra văn hóa tôn trọng tự nhiên. Khu vực rừng từ 200m trở xuống đến mặt biển là nơi voọc kiếm ăn, uống nước mà lại quy hoạch làm các công trình bê tông là không ổn", ông nói.
Giáo sư Trí cũng nhận định, việc bảo tồn nguyên vẹn sinh quyển là không thể, vì đã xuất hiện con người thì chắc chắn sẽ tác động đến môi trường, đó là logic và chúng ta phải chấp nhận, nói rõ để thống nhất về lựa chọn hướng đi cho Sơn Trà, thay vì cứ bàn vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rừng và nước, ông Nguyễn Chí Thành, khẳng định sẽ kiên quyết bảo tồn Sơn Trà. Trả lời cho câu hỏi bảo tồn như thế nào, ông Thành cho rằng trước hết phải xác định mục tiêu rõ ràng, khi những quyết định đều do Thủ tướng ban hành trước đây Sơn Trà là rừng cấm, sau đó lại là rừng đặc dụng.
"Chúng ta muốn bảo tồn thì phải trên cơ sở của pháp luật. Khi thành rừng đặc dụng, mọi quy chế đều phải thực hiện trên cơ sở rừng đặc dụng", ông Thành nói và đề xuất thành lập ban quản lý rừng đặc dụng bảo vệ Sơn Trà, không nên để quá nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý, từ kiểm lâm đến chính quyền phường như hiện nay.
Phát biểu cuối cùng hội thảo, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng quy hoạch tổng thể do Chính phủ phê duyệt mới đây đưa Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia với hơn 4.000 ha trong đó có rừng đặc dụng là không đúng.
"Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định nếu cần bỏ Sơn Trà ra khỏi quy hoạch du lịch quốc gia thì Chính phủ cũng đồng ý, vậy nên chúng ta nên tập trung vào ý kiến này. Và khi Sơn Trà không còn là khu du lịch quốc gia thì chúng ta sẽ phát triển du lịch Sơn Trà với tư cách là khu bảo tồn thiên nhiên", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Các đại biểu đã thống nhất gửi kiến nghị sau hội thảo đến Chính phủ, Quốc hội và UBND TP Đà Nẵng. Trong đó ý kiến cốt lõi là đề xuất điều chỉnh bản quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà, giữ nguyên hiện trạng theo tinh thần “cái gì đã xây thì giữ nguyên, cái gì chưa xây thì hủy bỏ”.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.400 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Từ trước năm 2013, Đà Nẵng cấp phép cho 18 dự án với số phòng ước tính 5.000. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600. Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng). Cuối tháng 5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá cùng UBND TP Đà Nẵng, chỉ đạo chưa triển khai quy hoạch Sơn Trà; chấp thuận cho Bộ Văn hoá và Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch. Cuối tháng 6, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp báo tại địa phương, khẳng định sẽ giảm các dự án ở Sơn Trà. |
Nguyễn Đông