Hôm 31/7, Facebooker có tên Dương Thành Nam đăng tải một đoạn clip dài hơn 2 phút về một loại xoài đang được bán nhiều trên thị trường. Đây là giống xoài nhỏ, chỉ dài bằng ngón tay, hạt lép. Người này khẳng định đây là giống xoài Trung Quốc: "Mọi người nhìn thì tưởng là xoài Thái. Nhưng thật ra đây là xoài do Trung Quốc làm ra".
Tác giả clip sau đó bổ đôi quả xoài, để bộc lộ một lớp màng mỏng ở trong hột, và khẳng định đó là "lớp nilon, tức là quả xoài này đã bị làm giả. Đây là xoài nhân tạo. Còn thịt xoài hoàn toàn được làm bằng tinh dầu, hóa chất để tạo vị".
Video cảnh báo "xoài giả" của Facebooker Dương Thành Nam:
Anh này cho biết mục đích làm clip là để cảnh báo mọi người tránh mua loại xoài này, ăn vào rất nguy hiểm.
Chỉ trong nửa ngày đăng lên, clip này đã được xem và chia sẻ chóng mặt. Hơn 2 triệu người đã xem và số đông tỏ ra hoang mang.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Quang Huy, chuyên viên nghiên cứu thuộc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định đây là tin đồn thất thiệt.
"Bên trong hạt xoài gồm có lớp xơ, rồi đến một lớp màng bọc lấy phôi trong cùng. Lớp màng này mỏng, trắng trong, khi phơi khô rất dễ bong ra. Người không biết tưởng là nilon, nhưng đây là là cấu trúc tự nhiên của quả xoài", ông Huy nói sau khi xem clip nói trên.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học (Viện Cây ăn quả miền Nam), theo hình từ clip trên và thực tế về một số giống xoài địa phương có lâu đời ở miền Tây thì giống xoài này rất giống xoài cốc/cu trồng ở Hà Tiên hay một số tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ. Ở miền Tây trước đây rất có nhiều giống xoài, tuy nhiên chỉ khoảng 20 giống có tên gắn với địa phương và được phổ biến trồng thương mại, ví dụ xoài Cát Chu, Hòa Lộc, Thanh Ca, Tượng và các giống nhập như xoài Australia, xoài Đài Loan, xoài Thái…. Các giống còn lại không có tên tuổi rõ ràng và được người dân gọi chung là xoài Cốc hay Cu. Giống xoài này trái rất nhỏ và cây rất sai quả, thường thu hái từ các cây cổ thụ còn sót lại.
Về hình ảnh "lớp nilon" như clip phản ánh, theo ông Phong, đó không phải là cao su gì cả, mà là lớp vỏ lụa bên trong dùng để bao nhân của hạt xoài. Tất cả các giống xoài đều có lớp vỏ lụa này, tuy nhiên tùy vào các giống khác nhau, lớp vỏ lụa này dày hay mỏng.
Cũng theo ông Phong, những tin đồn không có cơ sở này gây ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Cách đây không lâu, trong một đợt xuất khẩu xoài của Việt Nam sang thị trường Nhật, ông Phong từng nhận được phản hồi về việc có những lỗ khí "lạ" bên trong quả xoài. "Tôi đã làm một bản giải thích, kèm ảnh minh họa chứng minh đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, bởi những quả xoài hái chưa đạt độ chín, khi xử lý qua hơi nước nóng đều có triệu chứng trên", ông Phong cho biết.
Một số người dân có kinh nghiệm cũng phản đối lại clip trên. Chị Phan Thục Thảo (33 tuổi, ở Vũng Tàu, là dược sỹ) đã làm một clip khẳng định không hề có chuyện xoài bị làm giả.
"Sinh ra từ nghề nông, từ nhỏ tôi đã chơi trò lột hột xoài và biết đây là lớp màng tự nhiên của quả xoài chứ không phải làm giả gì cả. Lúc thấy clip đó, tôi rất bức xúc, chỉ vì những tin đồn thất thiệt mà khiến bà con bị lao đao. Tôi chạy ngay ra đầu cổng, mua vài quả xoài này về chứng minh. Bác bán hàng đang buồn vì không hiểu sao mấy hôm trước bán chạy đến hai ngày nay ế chỏng chơ, xoài chín nẫu hết cả", chị Thảo chia sẻ.
Trong đoạn clip của mình, chị Thảo chứng minh cho người xem thấy mọi quả xoài mút đang bán trên thị trường đều có lớp màng mỏng ở hột và đó là dấu hiệu của xoài thật, chứ không phải giả.
Clip "phản pháo" của chị Phan Thục Thảo:
Phan Dương