![Thuyền trưởng tàu cá Gemvir-1 của Philippines , giữa, trình bày sự việc. Ảnh: Rappler.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/06/18/thuyen-truong-jpeg-1357-156056-6621-9274-1560852235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Kg6M45CWB8Pq1bNPcEszag)
Thuyền trưởng tàu cá Gemvir-1 của Philippines , giữa, trình bày sự việc. Ảnh: Rappler.
"Đây không phải là tình huống có thể sử dụng được đường dây nóng. Vụ tàu cá Philippines bị đâm chìm trên Biển Đông cho thấy các nghi thức và quy tắc tránh xung đột dành cho tàu chiến phải được mở rộng phạm vi áp dụng với cả tàu chấp pháp và tàu cá trên biển", Tiến sĩ Andrew Chubb, Đại học Princeton, Mỹ, hôm nay nói với VnExpress bên lề Đối thoại biển lần thứ 5 tại Hà Nội.
Ông Chubb nhắc đến việc tàu cá Gemvir-1 của Philippines chở 22 ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm đêm 9/6 ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thuyền trưởng tàu Gemvir-1 khẳng định tàu Trung Quốc đã cố tình đâm vào phương tiện đang thả neo của ông rồi tắt đèn bỏ đi khi con tàu chìm, bỏ mặc các thủy thủ lênh đênh trên biển. Các thủy thủ này được một tàu cá Việt Nam cứu vài giờ sau đó.
Theo chuyên gia của Đại học Princeton, để tránh những sự cố tương tự trong tương lai, ASEAN cần hợp tác với các nước cùng hiện diện trên Biển Đông đề ra các quy định rõ ràng hơn để điều chỉnh cách thức hoạt động của tàu thuyền mỗi bên.
Tiến sĩ người Anh cho rằng dù vụ va chạm là cố ý hay vô tình, việc tàu Trung Quốc bỏ đi mà không cứu các ngư dân Philippines gặp nạn là "vấn đề lớn". "Bởi vậy, việc dư luận và một số quan chức cấp cao Philippines thể hiện sự tức giận với sự cố này là điều dễ hiểu", ông nói.
Cũng trong Đối thoại biển sáng nay với chủ đề "Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông", chuyên gia các nước đề cập tới khả năng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sử dụng cơ chế "ASEAN trừ" trong một số trường hợp, tức là chỉ có một số nước, không phải toàn bộ các thành viên, thảo luận một số vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Tiến sĩ Ngeow Chow Bing, Đại học Malaysia, cho rằng cơ chế "ASEAN trừ" có thể được áp dụng theo nguyên tắc "nước có chủ quyền trên biển" và "nước không có chủ quyền trên biển" để tạo nên sự thống nhất trong vấn đề Biển Đông. Một số thành viên ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông là Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei.
Tuy nhiên, bản thân ông Ngeow và nhiều học giả khác cũng lo ngại việc sử dụng cơ chế "ASEAN trừ" có thể ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết nội khối.
Bà Hoàng Thị Hà, chuyên gia của Viện nghiên cứu ISEAS - Yusof Ishak, Singapore, khẳng định mô hình "ASEAN trừ" sẽ làm suy giảm sự nhất quán của Hiệp hội trong xử lý vấn đề Biển Đông. Đặc biệt là vấn đề tự do hàng hải, quản lý hàng hải trên nguyên tắc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi ASEAN có áp lực từ bên ngoài.
Bà Hà cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) làm công cụ để ngăn các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông. "Bắc Kinh có thể nhắm tới việc thiết lập thiết chế khu vực, không để các nước bên ngoài can dự và có thể tách COC ra khỏi luật quốc tế", bà Hà nói.
Ông Edcel Ibarra, Viện nghiên cứu Đối ngoại Philippines, gợi ý ASEAN có thể sử dụng các cơ chế nhỏ để không làm mất đi vai trò trung tâm của Hiệp hội, chẳng hạn như "cơ chế tam phương" giữa Philippines với Indonesia và Malaysia trong một số vấn đề. Dù vậy, ông Ibarra cũng cho rằng việc xây dựng cơ chế "ASEAN trừ" không dễ dàng và cần có các chủ đề cụ thể.
Đề cập đến cơ chế "ASEAN cộng", Tiến sĩ Ngeow cho rằng các nước ASEAN có sự khác biệt về khoảng cách giàu nghèo, các nước nghèo có thể tìm đến các nước ngoại khối để tìm sự hỗ trợ kinh tế. Bởi vậy, các cơ chế mở rộng của ASEAN cũng dễ dẫn tới việc giảm vai trò trung tâm của khối. "Việc đi theo ASEAN cộng hay ASEAN trừ là một vấn đề tiến thoái lưỡng nan", ông Ngeow nói.
Khánh Lynh