Trong lần đầu đến Việt Nam, ông Yoshua Bengio sẽ chia sẻ câu chuyện trách nhiệm AI với 200 chuyên gia công nghệ Việt Nam. Cùng với đó là thông tin về cách kiểm soát "bản năng sinh tồn" của hệ thống AI, hạn chế bất lợi, đem lại lợi ích cho con người. Sự kiện diễn ra lúc 15h00 ngày 5/12 tại Hà Nội.
Giáo sư Yoshua Bengio là người khai phá lĩnh vực học sâu và mạng nơ ron nhân tạo - thuật toán mở đường cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và chatGPT. Các nghiên cứu được ứng dụng trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), thị giác máy tính, học máy và robot học. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, ông cũng đóng góp cho Tuyên bố Montreal về Phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm, nhấn mạnh phát triển công nghệ phải đi đôi với bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của xã hội.
Yoshua Bengio sinh năm 1964, người Canada. Năm 1993, ông thành lập Viện nghiên cứu Mila, góp phần đưa Montreal (Canada) trở thành trung tâm toàn cầu về công nghệ học sâu. Đây là một cộng đồng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và chiến lược phát triển AI trên toàn cầu. Với đội ngũ hơn 1.300 nhà nghiên cứu, trên 140 đối tác trong ngành, Mila tác động đến loạt lĩnh vực như sức khỏe, di truyền học, khoa học thần kinh, khám phá vật liệu mới, khí hậu và tích hợp kiến thức bản địa vào sự phát triển mới công nghệ.
Năm 2018, ông nhận giải thưởng Turing - được xem là giải Nobel trong lĩnh vực khoa học máy tính dành cho các nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lâu dài trong lĩnh vực khoa học máy tính. Năm 2021 Yoshua Bengio được Guide2Research đánh giá là nhà khoa học máy tính được trích dẫn nhiều thứ hai trên thế giới với chỉ số H-Index 182 (chỉ số đánh giá mức độ ảnh hưởng của một nhà khoa học dựa trên số lượng ấn phẩm và số lượng trích dẫn của ấn phẩm đó). Trung bình nhà khoa học có chỉ số H-Index 60 trở lên được coi là thiên tài.
Hiện ông cùng Viện nghiên cứu AI Mila hợp tác với các đại học và tổ chức nghiên cứu quốc tế để đào tạo các nhà khoa học AI, chuyên gia. Đồng thời duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược với doanh nghiệp công nghệ lớn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và phát triển giải pháp AI ứng dụng.
Tại Việt Nam, Mila thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với FPT vào năm 2020 nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ AI, đặc biệt là trong lĩnh vực học sâu (Deep Learning) và học máy. Năm 2023, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác trong vòng ba năm, xây dựng chiến lược và khung trách nhiệm AI, đảm bảo tính đạo đức trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ này.
Lan Anh