Khu tự trị Valencia nằm ở vùng ven biển phía đông Tây Ban Nha trải qua một trong những trận lụt tồi tệ nhất hàng thập kỷ sau đợt mưa xối xả tuần trước. Theo cơ quan khí tượng, lượng mưa bằng gần một năm trút xuống khu vực chỉ trong 8 giờ, gây ra thiệt hại chưa từng có và khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Trận mưa bão bắt đầu hôm 29/10 là kết quả của hiện tượng thời tiết nguy hiểm gọi là DANA ở Tây Ban Nha. Viết tắt của "áp thấp biệt lập ở độ cao lớn", DANA xảy ra khi không khí nóng bên trên biển Địa Trung Hải gặp không khí lạnh trong khí quyển, gây ra điều kiện khí hậu biến động dẫn tới mưa lớn. Theo giới chuyên gia, mô hình này đang trở nên ngày càng phổ biến do quá trình ấm lên toàn cầu.
Trong khi tỉnh Valencia dễ bị ngập lụt, người dân địa phương không có sự chuẩn bị một phần do cảnh báo khẩn cấp được đưa ra quá trễ. Nhiều người nhận được cảnh báo khi đường phố đã ngập thành sông. Cư dân cũng không đề phòng sự kiện như vậy vì tin rằng khu vực an toàn trước lũ lụt sau trận Đại hồng thủy Valencia năm 1957. Trận lũ lụt đó đã thúc đẩy chính quyền địa phương thực hiện một dự án cực kỳ tham vọng nhằm chuyển dòng sông Túria chảy qua Valencia ra xa thành phố.
Đánh giá ban đầu cho thấy hôm 29/10, lòng sông ở phía nam thành phố Valencia giúp giảm thiểu thiên tai. Dù còn quá sớm để phân tích tổng quát thảm họa lũ lụt, một số chuyên gia cho rằng thành phố có thể bị ngập hoàn toàn nếu không có dự án chuyển dòng sông mang tên Plan Sur.
Valencia từng đối mặt một số thảm họa tương tự trong vài thế kỷ qua. Thành phố Valencia nằm ở vùng thấp bên cạnh Albufera, phá nước ngọt lớn nhất ở Tây Ban Nha. Điều này khiến khu vực đặc biệt dễ bị ngập lụt. Vài cơn bão DANA từng gây thảm họa trong vùng suốt những thập kỷ qua. Lần tồi tệ nhất là trận Đại hồng thủy Valencia năm 1957. Trong trận lũ lụt này, khoảng 3/4 thành phố chìm dưới nước và hơn 80 người thiệt mạng.
Bão DANA tương đối phổ biến ở Địa Trung Hải. Sự tiếp xúc của không khí ấm và lạnh dẫn tới hình thành đám mây mưa dày đặc. Khi vào đất liền, chúng có thể di chuyển chậm qua khu vực rộng lớn. Loại bão như vậy thường gây lũ lụt nghiêm trọng.
Valencia từng trải qua cuộc lột xác hoàn toàn từ trận lũ lụt năm 1957. Sau năm đó, nhà chức trách lên kế hoạch chuyển dòng Túria, sông dài nhất Tây Ban Nha, quanh vùng ngoại ô phía tây nam thành phố và hướng ra biển Địa Trung Hải. Dự án Plan Sur được soạn thảo nhằm ngăn chặn thiên tai lặp lại. Về cơ bản, mục tiêu của dự án là dẫn hướng dòng sông ra xa thủ phủ của tỉnh.
Là thành tựu ấn tượng của kỹ thuật thủy lợi, quá trình chuyển dòng kết thúc vào năm 1973. Ngày nay, lòng sông mới có lưu lượng hơn 5.000 m3 nước. So với nó, dòng sông cũ chảy qua thành phố có thể chứa 3.700 m3 nước trước khi tràn bờ. Trận lũ lụt gần nhất đánh dấu lần tràn bờ đầu tiên từ dự án Plan Sur. "Nếu không chuyển hướng dòng sông, Valencia sẽ bị ngập hoàn toàn từ bắc tới nam", Federico Bonet ở Hiệp hội kỹ sư cầu đường và kênh đào Valencia, cho biết.
Dù dự án chuyển dòng sông có thể cứu nhiều người sống ở trung tâm Valencia, vẫn còn nhiều câu hỏi về tác động chung của nó. Lòng sông mới ở phía nam có thể chứa lượng nước lớn hơn, có nghĩa theo lý thuyết, người dân ở khu vực đó phải an toàn. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều chính trị gia và nhà khoa học cảnh báo dự án Plan Sur chưa hoàn thiện và có khả năng dẫn tới thảm họa.
Trong quá trình xây dựng lòng sông thuộc dự án Plan Sur, nhà chức trách dự định tạo ra lưu vực lớn có sức chứa 164 triệu m3 nước dưới thời cầm quyền của nhà độc tài Francisco Franco. Tuy nhiên, chế độ của Franco cạn tiền và lưu vực không bao giờ hoàn thành. Từ sau đó, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi hoàn thành dự án. Ví dụ, năm 2010, thị trưởng Valencia từng thúc giục chính quyền Tây Ban Nha hoàn thành dự án Plan Sur. Trận lũ lụt cuối năm 2024 và hệ quả của nó sẽ nằm trong công cuộc phân tích tác động của dự án chuyển dòng sông ở Valencia.
An Khang (Theo Interesting Engineering)