PGS Hoàng Hữu Hạnh, Viện Sáng tạo và chuyển đổi số, nói như trên tại Diễn đàn Quốc tế về Y Dược thông minh Việt Nam, ngày 9-10/5, ở Hà Nội, thêm rằng bệnh nhân sang Singapore điều trị, chi phí rất đắt đỏ nhưng họ cảm thấy thoải mái vì có sự hỗ trợ của công nghệ, dịch vụ y tế thông minh.
"Nếu y tế Việt Nam muốn phát triển sánh kịp Singapore thì phải triển khai mở rộng y tế thông minh, hệ thống công nghệ hỗ trợ bác sĩ đưa quyết định điều trị cuối cùng", PGS Hạnh nói.
Ông Trần Minh Việt, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu (Data) ở Mỹ, cũng đánh giá sự thay đổi về nhân khẩu học và xã hội đang gia tăng lên hệ thống y tế, đặc biệt nhu cầu chăm sóc các bệnh mạn tính ngày càng gia tăng, tạo gánh nặng lên hệ thống y tế. Điều này đòi hỏi những hướng đi mới trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cầu kỳ, hướng tới sự thuận tiện, minh bạch, giá cả hợp lý và được cá nhân hóa theo từng nhu cầu. Vì vậy, họ sẵn sàng sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cung cấp bởi các bên nằm ngoài lĩnh vực y tế. Công nghệ là công cụ giúp họ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ đó.
Giải pháp y tế 4.0 hiện nay bao gồm: số hóa lịch sử bệnh án; điều hướng bệnh nhân và y tế từ xa; hỗ trợ quyết định lâm sàng bằng cách sử dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo để giảm gánh nặng cho y bác sĩ. Ngoài ra, còn có chiến thuật y tế cộng đồng bằng cách quản lý các bệnh mạn tính, theo dõi bệnh nhân từ xa, hay hỗ trợ toàn dân có lối sống khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế), đánh giá các đơn vị trong ngành y tế đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Nhiều bệnh viện đã áp dụng y tế thông minh trong quản trị như đặt lịch khám qua điện thoại, lấy số tự động, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng hệ thống bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Chuyển đổi số trong ngành y tế giúp giảm thời gian chờ đợi, giảm lưu trữ giấy tờ, tiết kiệm chi phí nhân lực, hỗ trợ tối đa cho bác sĩ trong khám chữa bệnh. Các giải pháp y tế thông minh giúp giải quyết công việc một cách thuận tiện, nhanh chóng, minh bạch, cải thiện hiệu suất, tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, hiện nay lộ trình chuyển đối số của ngành y còn chậm. Theo ước tính, trong 1.200 cơ sở y tế mới chỉ có hơn 70 nơi thực hiện bệnh án điện tử. Nguyên nhân có thể do tâm lý chờ đợi các đơn vị khác làm như thế nào để học hỏi kinh nghiệm nên gần tới hạn, nhiều nơi mới tiến hành. Việc lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ phù hợp còn khó do các tiêu chí chưa rõ ràng.
Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang đồng bộ dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử với tất cả cơ sở y tế. Trong đó tập trung 4 nền tảng là hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế. Mục tiêu hướng tới giúp giảm phiền nhiễu, người dân đi khám chữa bệnh được nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Lê Nga