"Nhận thức là quan trọng, vì thế chúng ta phải chia sẻ. Sự dịch chuyển này là một chặng đường dài, vì thế chúng ta phải đi cùng nhau, phải kết nối", ông Dũng phát biểu trong Diễn đàn cấp cao CNTT - TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2020) ngày 14/12 tại Hà Nội. "Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người".
Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), cho biết tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đang mới ở những bước khởi đầu và còn nhiều băn khoăn, như: Chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, như thế nào, cần chuẩn bị gì...
"Để trả lời được những câu hỏi này, cách duy nhất là phải hành động, phải kết nối cùng nhau, chia sẻ cùng nhau, khai thác tối đa sức mạnh của những tiến bộ công nghệ để tạo gia những giá trị mới cho xã hội, cho đất nước", ông Bình nhấn mạnh. "Chuyển đổi số đã trở thành chủ đề nóng nhất trong chương trình hành động của tất cả mọi người, là hy vọng để Việt Nam bước khỏi bẫy thu nhập trung bình, bước vào thế giới của các quốc gia phát triển. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà chúng ta cần kết nối, chia sẻ cùng nhau để hành động".
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc FSI, cho rằng sự dịch chuyển của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra tương đối chậm.
"Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh đời sống. Từ đó các tổ chức sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn nếu biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong kỷ nguyên số", ông Sơn nói. "Tuy nhiên, hầu hết cơ quan, tổ chức đang chưa biết bắt đầu từ đâu, mặc dù đã có bước tiếp cận với xu hướng này về mặt công nghệ tương đương so với thế giới".
Theo ông, để chuyển đổi số, cần quan tâm đến bốn yếu tố chính: Nhận thức, Nền tảng công nghệ, Hạ tầng số dữ liệu, Nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế, dữ liệu - nguồn tài nguyên được đánh giá là "vô giá" của mọi tổ chức, hiện vẫn chưa được quản lý hiệu quả.
Khảo sát từ năm 2019 của Cisco cho thấy, mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của Việt Nam mới ở mức trung bình với vị trí 70/141 quốc gia, tương đương 12,06/25 điểm. Trong khi đó, theo sát của VINASA với hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT 2020, bốn yếu tố thách thức nhất khi chuyển đổi số là: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức, và Bảo mật an toàn thông tin.
"Mỗi bộ ngành, doanh nghiệp có sự quan tâm đầu tư và 'kịch bản' riêng cho lộ trình chuyển đổi số của mình. Yếu tố tiên quyết đem lại thành công trong chuyển đổi số chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp", ông Trương Gia Bình nhận định.
2020 được coi là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hồi tháng 3, trên không gian mạng có khoảng 3.000 đề cập có chứa từ khóa "chuyển đổi số". Đến tháng 11, con số này đã đạt khoảng 30.000 đề cập, tăng gấp 10 lần.
Ông Dũng cho rằng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần hoạch định một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. Trong khi đó, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số, đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
Theo ông, chuyển đổi số là một hành trình. Để đo mỗi cơ quan, tổ chức đã đi bao xa và có đi đúng hướng không trên hành trình đó, Bộ TT&TT đã ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức nhà nước, và sắp tới sẽ ban hành bộ chỉ số tương tự cho doanh nghiệp. Bộ TT&TT sẽ xác nhận, kiểm tra và công bố vào đầu năm 2021.