Ông Phạm Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc khối công nghệ thông tin Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, cũng như các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước, Tân Hiệp Phát gặp nhiều khó khăn khi Covid-19 đến. Tập đoàn nước giải khát đối diện với sức ép lớn về cung ứng toàn cầu. Trong nội bộ, doanh nghiệp vận hành hàng hóa khó khăn, nhân viên làm việc từ xa. Tuy nhiên, ban lãnh đạo xác định rõ sẽ nỗ lực dù có đại dịch.
Theo đó, đơn vị điều chỉnh lại chính sách, quy trình, xuất hàng. Các bộ phận phối hợp với nhau, người mua hàng làm việc với đội ngũ sản xuất. Doanh nghiệp chủ động hỗ trợ nhà phân phối, bán lẻ thuận tiện nhập hàng. "Vì kinh doanh mặt hàng nằm trong danh mục hàng hòa thiết yếu nên cũng thuận lợi hơn các ngành khác khi di chuyển trong đại dịch", ông Tuấn nói.
Để bảo vệ sức khỏe người lao động, nhân viên làm việc online. Sau hai tuần đội ngũ IT của tập đoàn triển khai xong hệ thống vận hành. Đơn vị thiết kế nơi làm việc, chỗ ở, kèm quy tắc phòng dịch cho 1.000 nhân viên làm việc, ăn ngủ tại chỗ trong 105 ngày. Cán bộ, nhân viên có vòng đeo tay nhận biết bản thân thuộc đối tượng nào. Mọi người giữ khoảng cách 2 m, hệ thống, camera theo dõi nhân viên.
Bên cạnh đó, giấy tờ, các thủ tục ký hợp đồng với khách hàng đều tự động hóa, chứng thực qua chữ ký điện tử. Trong quá trình chuyển đổi số, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn trong tích hợp trong giải pháp. Tuy nhiên, "thay đổi để tồn tại" trở thành phương châm sống còn của tập đoàn. Chính vì vậy, Tân Hiệp Phát áp dụng giải pháp công nghệ để tăng cường sản xuất. Mong muốn nhân viên làm việc từ xa vẫn có thể tương tác, cập nhật tình hình của công ty, doanh nghiệp thiết kế phòng họp ảo. Đây là một văn phòng mở, nhân viên nhìn thấy nhau, có video để thấy hoạt động công ty, giới thiệu người mới. Các kỹ sư phần mềm thiết kế thành những phòng họp nhỏ, phân chia từng phòng ban, cán bộ quản lý dễ quan sát.
Tân Hiệp Phát xác định, công nghệ chỉ là nền tảng, con người là trọng tâm, tạo giá trị trải nghiệm cho khách hàng. Vì vậy, đơn vị chọn công nghệ đơn giản, người dùng dễ áp dụng. Nhiều người gặp khó khăn khi tiếp nhận cái mới, vì vậy công ty có nhiều cách linh hoạt để tiếp cận với từng đối tượng. Theo đó, đơn vị có đội ngũ cầm tay chỉ việc, động viên mọi người cùng thực hiện. Từ đó, nhân viên hiểu rõ, thay đổi để thích ứng. Doanh nghiệp nhận thấy "Covid-19 là thời điểm vàng để phát triển chuyển đổi số".
Theo ông Tuấn, với doanh nghiệp sản xuất khi áp dụng công nghệ vào khâu vận hành cần xác định tầm nhìn của công ty, văn hóa phối hợp, tương tác giữa các phòng ban, từ đó ứng dụng mô hình phù hợp. Ban đầu, các doanh nghiệp chuyển đổi từ ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), sau đó, bắt tay vào cải cách quy trình, phê duyệt, tương tác.
Ngoài ra, việc quản trị data rất quan trọng. Chuyển đổi số đem đến nhiều hiệu quả, tuy nhiên nếu quên bảo mật, có thể gây ra lỗ hổng. Ông Tuấn cho rằng, nếu không xác định được data, tài sản của doanh nghiệp thì không nên số hóa. Sau đó, doanh nghiệp lựa chọn mô hình, công nghệ có thể đáp ứng được tăng trưởng của đơn vị trong 5 năm tới. Bởi lẽ, công nghệ thay đổi liên tục, nếu năm nào cũng đầu tư gây lãng phí.
Ông Tuấn cho biết thêm, doanh nghiệp cần ứng phó với bình thường mới. Với công ty sản xuất, mở cửa có thể xảy ra những biến cố bởi dịch bùng phát. Bản thân công ty cần giữ tinh thần cảnh giác, nhân viên giữ khoảng cách, tuân thủ 5K. Đơn vị nên tạo ra nhiều công nghệ mới để điều hành, đưa ra những chiến lược vận hành trên nền tảng điện toán đám mây.
Lê Nguyễn