Theo đại diện Sacombank, năm 2022 là thời gian kinh tế Việt Nam phục hồi sau Covid-19, đối mặt nhiều khó khăn, tuy vậy ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021, vượt 20% so với kế hoạch năm. Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.
"Những thành quả này có được nhờ vào chiến lược phát triển linh hoạt, chuyển đổi số toàn diện trong thời gian dài", ông Trần Thái Bình - Giám đốc khối công nghệ thông tin của Sacombank cho biết.

Ông Trần Thái Bình - Giám đốc khối công nghệ thông tin Sacombank. Ảnh: Sacombank
Việc chuyển đổi số còn giúp ngân hàng thu về nhiều kết quả tích cực. Quy mô khách hàng của Sacombank hiện đạt hơn 15 triệu người dùng, trong đó có khoảng 50% là "khách hàng số". Năm 2022, giao dịch trên Sacombank Pay tăng 140% về số lượng và 127% về giá trị so với năm 2021. Tỷ lệ giao dịch thanh toán qua kênh số chiếm 97% tổng lượng giao dịch.
Quá trình chuyển đổi số được Sacombank triển khai theo 4 trụ cột gồm hạ tầng công nghệ, giải pháp số hóa toàn diện, sản phẩm - dịch vụ số, con người và tư duy số.
"Số hóa là động lực để Sacombank ra mắt các sản phẩm dịch vụ hiện đại, nâng cấp chất lượng sản phẩm, tiếp cận nhiều khách hàng, góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận và uy tín thương hiệu", ông Trần Thái Bình phân tích.
Sacombank cũng khuyến khích nhân sự tìm tòi, đổi mới phương pháp làm việc nhằm đem đến những kết quả sáng tạo, tối ưu bằng những công cụ mới như Design thinking, Agile, Culture hack...
Đại diện Sacombank còn cho biết thêm, hành trình số hóa được đánh dấu bằng việc Sacombank đầu tư 5 triệu USD mời đối tác nước ngoài xây dựng ngân hàng lõi T24, hệ thống lõi hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Ngân hàng áp dụng số hóa trong quy trình vận hành. Ảnh: Sacombank
Năm 2010, ngân hàng ứng dụng công nghệ số tạo ra các kênh giao dịch hiện đại như trung tâm dịch vụ khách hàng, hợp nhất kênh giao dịch trực tuyến Internet Banking và Mobile Banking. Năm 2015, nhà băng phát hành và chấp nhận thẻ chuẩn EMV trên máy POS, ATM. Năm 2017, Sacombank phát hành thẻ thanh toán không tiếp xúc đầu tiên trên thị trường, triển khai phương thức thanh toán QR chuẩn EMV toàn cầu. Năm 2028, Sacombank Pay được ra mắt.
Năm 2019, Sacombank số hoá quy trình phê duyệt tín dụng, nâng cấp ngân hàng lõi T24-R17, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot), công nghệ robot (RPA)... Với giao dịch thanh toán trực tuyến, Sacombank áp dụng công nghệ bảo mật mã hóa thông tin thẻ và xác thực giao dịch 3D Secure bảo vệ quyền lợi chủ thẻ. Năm 2020, ngân hàng bước đầu vận hành Trung tâm điều hành an ninh mạng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thời điểm đó, Sacombank đầu tư 3 triệu USD hệ thống quản lý hạ tầng, công nghệ thông tin mang tính chuyên biệt nhằm triển khai chiến lược đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đại diện ngân hàng cho biết, thay vì đầu tư giao diện, thứ dễ gây ấn tượng với người dùng, thì nhà băng lại đầu tư mạnh vào lõi, dữ liệu và bảo mật trước. Nhờ đó, hiện tại Sacombank sở hữu nền tảng hệ thống vững mạnh và công nghệ tiên tiến, cho phép triển khai nhanh chóng các tính năng mới nào để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Khách hàng trải nghiệm mua sắm bằng thẻ Sacombank. Ảnh: Sacombank
Hiện nay, ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn nâng cao bảo mật, phân tích dữ liệu dựa trên những phương pháp công nghệ mới như CRM, LOS, DMC trong bán hàng, phê duyệt tín dụng, quản lý thu hồi nợ, phát triển nền tảng công nghệ số thông qua các giải pháp công nghệ mới (Open API, điện toán đám mây...).
Trong lộ trình phát triển 5 năm tới, ngân hàng tiếp tục triển khai một chuỗi dự án chuyển đổi số với chi phí đầu tư lớn, nguồn lực triển khai mạnh, hướng đến đối tượng khách hàng trẻ (gen Z).
An Hy