Làn sóng công nghệ đang từng bước thay đổi bộ mặt của thị trường bất động sản. Từ một ngành còn tương đối bảo thủ trong việc thích ứng với những mô hình công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã linh hoạt thay đổi mô hình kinh doanh để duy trì và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khó kiểm soát.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Văn Khang - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ quan điểm về chuyển đổi số bất động sản và cách doanh nghiệp từng bước đưa công nghệ vào kinh doanh.
- Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang dần ứng dụng công nghệ song chỉ số ít thành công hoặc chỉ giải quyết một phần nhỏ trong quy trình giao dịch. Theo ông, lý do là gì?
Các doanh nghiệp bất động sản tuy chậm nhưng đa số đều đã và đang trong quá trình chuyển đổi số. Và ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bất động sản chỉ là một phần nổi chưa được hoàn chỉnh trong bức tranh tổng thể đó. Thực tế có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp dù rất muốn nhưng chưa thật sự thành công khi số hóa bởi liên quan các quy trình giao dịch đó là:
Thứ nhất, các sản phẩm bất động sản đều có giá trị lớn đòi hỏi tính xác thực và niềm tin đủ lớn từ những thành phần tham gia như người mua, người bán, chủ đầu tư cũng như nghiệp vụ môi giới, khách hàng vẫn cần thêm thời gian để thích nghi với thị trường giao dịch trực tuyến.
Thứ hai là vấn đề pháp lý. Các sản phẩm bất động sản bị điều tiết bởi rất nhiều các quy định pháp luật hiện hành, trong đó có các quy trình không thể giải quyết hoàn toàn bằng công nghệ như (ký hợp đồng, công chứng, thế chấp...) vì vậy với việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số một cách đại trà không xem xét tính đặc thù của ngành sẽ làm cho trải nghiệm "số" của khách hàng dễ bị đứt đoạn và đôi khi bất tiện khi sử dụng dịch vụ.
Thứ ba là tiềm lực về nhân sự và tài chính của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp muốn sử dụng công nghệ thông tin như một động lực cạnh tranh tuy nhiên tiềm lực về nhân sự và tài chính hạn chế dẫn đến chỉ chuyển đổi số một phần nhỏ hoặc chỉ chuyển đổi một số quy trình trọng điểm dẫn đến chất lượng và số lượng dịch vụ chưa thật sự rõ nét.
- Vậy làm thế nào để giải quyết bài toán này thưa ông?
Cần phải từng bước xây dựng niềm tin và tạo ra tính minh bạch với các quy trình chuyển đổi số trong giao dịch bất động sản. Đối với khách hàng, trước hết cần giúp họ cảm thấy thích thú và thoải mái khi trải nghiệm công nghệ. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát như hiện nay, khi mà người dân thường xuyên được khuyến cáo ở nhà và tránh tiếp xúc trực tiếp thì không gian mạng chính là nơi lý tưởng để con người giao tiếp, làm việc và học tập. Nhu cầu tương tác trực tuyến sẽ ngày càng tăng lên, các doanh nghiệp cũng sẽ phải tự thay đổi phương thức quản lý nhân lực và cách tiếp cận khách hàng để phù hợp hơn với tình hình mới. Thực tế cho thấy các công ty có thể đạt hiệu quả cao hơn mong đợi nếu tập trung cải thiện một điều tưởng như rất cơ bản: trải nghiệm của người dùng.
Đối với doanh nghiệp, việc tạo lập hệ sinh thái được xem là nước cờ chiến lược giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí. Vì vậy, song song với việc đón đầu các xu thế bất động sản công nghệ, các doanh nghiệp cần tạo lập mối liên kết chặt chẽ với những hệ sinh thái xung quanh sẵn có hoặc thay đổi mô hình kinh doanh để thích nghi và phát triển. Ngoài ra, để tận dụng được những cơ hội của thị trường, doanh nghiệp bất động sản cần làm chủ công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân sự vững mạnh, chuyên nghiệp.
Để bài toán này được giải quyết nhanh hơn và triệt để hơn nếu có sự hỗ trợ của các cơ lập pháp và hành pháp. Vai trò định hướng của nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số nói chung và đặc biệt là giao dịch bất động sản. Hiện nay cơ quan quản lý đang có các nghiên cứu và cho phép thử nghiệm đối với các lĩnh vực mới với sự ứng dụng sâu của công nghệ, chúng tôi hy vọng những thử nghiệm này sẽ sớm đi vào thực tế để mang lại hiệu quả cho xã hội.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng không nằm ngoài đường đua này khi đang từng bước xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ và số hóa riêng cho toàn hoạt động của doanh nghiệp.
- Ông có thể chia sẻ thêm về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ của Tập đoàn Hưng Thịnh?
Hai năm nay Hưng Thịnh đã tiến hành chuyển đổi số một cách toàn diện, ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả làm việc, Hưng Thịnh đang nghiên cứu và đầu tư xây dựng và phát triển nền tảng proptech của riêng mình, hướng đến việc tư vấn, môi giới, kinh doanh trực tuyến. Bên cạnh đó, việc khởi tạo hệ sinh thái tài chính - công nghệ, bảo hiểm, đầu tư chung, sức khỏe, trên cùng một nền tảng giao dịch cũng là bước đánh dấu chuyển đổi số của Tập đoàn Hưng Thịnh.
Hiện, chúng tôi đang thực hiện dự án chiến lược mang tên TopenLand. Đây là dự án trọng điểm, được đầu tư về nguồn lực tài chính và nhân lực bài bản chuyên môn cao. Không chỉ là proptech, TopenLand nằm trong hệ sinh thái (Ecosystem) mang tầm nhìn chiến lược của tập đoàn dựa trên giá trị cốt lõi là bất động sản. Dự án này cũng khẳng định năng lực điều hành và phát triển của một hệ thống công nghệ proptech hoàn toàn do người Việt triển khai và làm chủ.
- TopenLand có gì khác biệt để có thể cạnh tranh trên thị trường?
TopenLand là nền tảng giao dịch bất động sản toàn diện, giúp kết nối nhiều người tham gia trên nền tảng kinh tế chia sẻ. Mục tiêu của nền tảng này là cung cấp thông tin bất động sản nhanh chóng, minh bạch, hỗ trợ người dùng với các dịch vụ cộng thêm đa dạng, hỗ trợ pháp lý an toàn, giao dịch nhanh chóng, chia sẻ kiến thức bất động sản với mọi người.
Với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và những công nghệ tiên tiến khác, TopenLand được kỳ vọng cải thiện nhiều điểm hạn chế ở bất động sản truyền thống như rút ngắn mọi quy trình giao dịch, đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí, mang lại nhiều giá trị cho cả chủ đầu tư, người mua và người bán bất động sản. Chúng tôi kỳ vọng TopenLand sẽ trở thành một ứng dụng không thể thiếu, nền tảng tích hợp toàn diện và thoả mãn mọi nhu cầu về bất động sản cho người dùng.
Tâm Anh