Tại hội thảo "Net zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 27/6, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, tăng trưởng xanh là bài toán phức tạp giữa việc nâng cao tốc độ phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt với quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho rằng thực tế ô nhiễm không chỉ xuất phát từ khâu sản xuất mà còn từ tiêu dùng. Theo đó Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt mục tiêu cam kết Net zero vào năm 2050 được thể hiện tại 18 nhóm chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ cụ thể. Để đạt được, cần có sự thay đổi toàn diện từ nhận thức, sản xuất đến tiêu dùng và chính sách. "Cần lượng hóa được giải pháp chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", bà nói và cho rằng nhà nước hỗ trợ ưu đãi đầu tư ban đầu để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng những sáng kiến là cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự kiến tháng 12 năm nay dự thảo Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sẽ được trình Chính phủ. Quan điểm của kế hoạch này giảm thiểu sử dụng sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải ra môi trường, đồng thời kéo dài vòng đời của sản phẩm. "Kinh tế tuần hoàn sẽ là công cụ hướng tới Net zero năm 2050", ông Thọ nói.
Để thực hiện, ông Thọ cho biết, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, xây dựng chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi xanh thông qua các ưu đãi đất đai, tín dụng xanh... Doanh nghiệp là chủ thể thiết kế sáng tạo tích hợp chính sách vào thực tế để phát triển bền vững.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các công nghệ như hệ thống điện mặt trời nhằm cung cấp năng lượng sạch, giúp giảm phát thải hay vật liệu có thể tái sử dụng, túi nilon sinh học có thể tự phân hủy...
Đến nay, có khoảng 140 quốc gia, tương đương gần 90% tổng lượng phát thải trên toàn cầu, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian
để đạt mục tiêu này, phần lớn vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.
Hải Minh