Vào một ngày se lạnh đầu tháng 10, Ngô Thanh Thúy, 23 tuổi sống tại Bắc Ninh, bỗng thèm được ngồi làm việc trong cái lạnh và hòa mình vào thiên nhiên. Hình ảnh Sa Pa lúc đó lóe lên trong tâm trí cô. Ngay lập tức, Thúy xách vali lên đường mà không nghĩ ngợi nhiều.
"Quyết định đi Sa Pa được tôi đưa ra vào một ngày đầu óc đang ở trên mây. Tôi đi mà không có lịch trình, không kế hoạch. Nếu cứ lên trước phương án, chắc chắn tôi lại hoãn như chuyến đi Hà Giang hay Ninh Bình trước đó", Thúy nói.
Chuyến đi lần này của Thúy dài 5 ngày 4 đêm, và dành toàn bộ thời gian ở bản Tả Van. Trước đó, cô từng đi Sa Pa nhiều lần, nhưng khi đến Tả Van, mới thấy chó nhiều hơn tưởng tượng. "Tôi biết Sa Pa nhiều chó, nhưng không biết nhiều thế. Mở mắt ra đã thấy chó, chúng sủa, gầm gừ. Mỗi âm thanh chúng phát ra không khác gì quả bom dội vào đầu tôi", Thúy nói.
Homestay cô ở được nhận xét là "rất xinh", nhược điểm là nuôi ba con chó. Có một con còn to hơn cả Thúy. Cô không dám xuống dưới nhà. Mỗi lần xuống, cô lại phải ngó nghiêng xem ba con chó đang ở đâu. Nhiều lần, cô trấn an bản thân là cứ đi bình thường, chó không cắn. Nhưng khi nhìn thấy chúng, cô vẫn giật mình.
"Lần đầu tiên đi du lịch mà tôi muốn về nhà ngay ngày đầu tiên chỉ vì ở đây quá nhiều chó. Nhưng sau đó, tôi trấn an bản thân rằng mỗi chuyến đi đều mang lại cho mình những trải nghiệm ý nghĩa. Chuyến đi lần này khiến tôi nhận ra mình sợ chó hơn mức vẫn nghĩ", Thúy cười nói. Cô tự nhủ sẽ không quay lại Sa Pa một mình nữa. Nếu đi, nhất định phải đi cùng ai đó đủ mạnh mẽ, hoặc ít nhất là không sợ chó để họ còn bảo vệ cô.
Suy nghĩ muốn về nhà của Thúy nhanh chóng tan biến ngay trong ngày thứ hai cô đến Tả Van. "Đó là một ngày nắng đẹp", cô nhớ lại. Do đó, Thúy quyết định đi dạo xung quanh để ngắm cảnh. Điều thú vị tiếp theo cô phát hiện ra là chó ở bản không "ghê gớm", mà rất hiền lành vào ban ngày. Chúng không sủa, không đi theo cô như buổi tối hôm trước. "Chúng chỉ đáng sợ vào buổi tối".
Đến trưa, cô hỏi người dân địa phương về quán ăn, và đường đi và được hai cô gái trẻ trong bản nhiệt tình dẫn đường. "Hai bạn ấy đều ít tuổi hơn tôi, nhưng đã lấy chồng. Họ kiếm sống bằng nghề bán đồ lưu niệm thủ công cho khách du lịch, vừa địu con vừa đi làm. Những món đồ họ bán tôi không dùng đến, nhưng vẫn mua để ủng hộ".
Thúy được chỉ một quán vừa là homestay vừa là nhà hàng. Điểm trừ duy nhất là ở đây cũng... có chó. Món ăn được đánh giá ngon. Cô thích nhất trứng xào cà chua cùng salad trộn. Trong lúc chờ lên món, Thúy gặp Minh Lâm, con trai chủ quán. Lâm còn nhỏ, khoảng 5-6 tuổi, vừa đi chơi về. Thấy khách, cậu vào nhà lấy kéo ra cắt tặng Thúy một bông hoa, kèm câu nói bằng tiếng Anh "I love you" khiến trái tim cô gái trẻ tan chảy. "Lần đầu tôi được nghe ai đó nói câu này với mình", nữ blogger du lịch cười. Sau khi nói xong câu đó, Lâm chạy đi chơi tiếp. Lát sau, cậu bé quay lại, trên tay bế một con chó nhỏ khoe với Thúy. Cô vẫn giật mình khi nhìn thấy loài vật này. Nhưng nhìn con vật ngủ ngon lành trên tay Lâm, cô lại cảm thấy bình yên.
Thúy ấn tượng vì Lâm rất giỏi tiếng Anh, thậm chí nói sõi hơn tiếng Việt. Lý do là khách nhà Lâm chủ yếu là khách quốc tế, nói tiếng Anh. Vì vậy, cậu bé được giao tiếp với ngôn ngữ này từ nhỏ, thường xuyên. Tinh nghịch, nhưng khi Thúy bày tỏ ý muốn chụp ảnh Lâm, cậu bé ngồi im và cười bẽn lẽn.
Những ngày ở Tả Van của Thúy trôi qua trong yên bình. Khi cô đi lang thang quanh bản, cô gặp nhiều khách quốc tế. Có người chụp ảnh cùng cô, có người khen Thúy xinh, người khác lại để lại trong cô ấn tượng đặc biệt.
Với Thúy, Sa Pa là một nơi đặc biệt. Đó là điểm đến cô luôn ao ước được ghé thăm khi chưa có điều kiện để đi chơi xa. Nhưng khi đến được rồi, Sa Pa lại khiến cô hụt hẫng vì khác xa tưởng tượng. "Sa Pa luôn để lại trong tôi nhiều băn khoăn, bối rối mỗi lần quay lại. Tôi thích nơi này vì vẻ đẹp của núi rừng, những ngôi nhà gỗ truyền thống, sự thân thiện, thật thà của người dân".
Nhưng bên cạnh đó, cô cũng cảm thấy tiếc cho điểm đến nổi tiếng này vì Sa Pa đang dần bị du lịch hóa. Những giá trị truyền thống bị mai một, những ngôi nhà gỗ kiểu cũ không còn, thay vào đó là các công trình bị bê tông hóa. "Nhìn những vách núi đang được máy móc san phẳng để xây nhà, bụi mù một góc trời. Nếu tiếp tục như thế này, vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng liệu còn lại bao nhiêu".
Thúy nói cô biết không thể ích kỷ yêu cầu Sa Pa phải giữ nguyên nét hoang sơ, nguyên bản vì người dân nơi này cần phát triển du lịch để có cuộc sống tốt hơn. Nhưng điều Thúy mong là Sa Pa có thể phát triển du lịch theo cách bền vững, để vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống vốn có.
Một số lưu ý khi đến Sa Pa:
Từ Hà Nội đến thành phố Lào Cai: Thuý đi tàu, có thể đặt vé giường nằm trên website của đường sắt Việt Nam. Nơi này có bán cả vé ôtô chặng Lào Cai - Sa Pa nên rất tiện.
Thời gian di chuyển: đi tàu chuyến 22h, đến Lào Cai lúc 5h. Đến nơi, khách được thông báo đến quầy và sắp xếp lên ôtô di chuyển tiếp. Chi phí hơn 620.000 đồng một người khứ hồi (hai chặng ôtô và tàu).
Sa Pa - Tả Van: đi xe ôm, nhờ chủ homestay đặt giúp. Chi phí 100.000 đồng một lượt. Đường ở Tả Van là đường đèo, đi nguy hiểm nên Thúy không thuê xe. Cô chọn đi bộ.
Thúy chọn Indi House, vô tình nhìn thấy trên Airbnb. Homestay là một ngôi nhà gỗ kiểu truyền thống của bản, nhỏ nhưng sạch sẽ, ấm cúng. Thúy ở tầng gác mái, giá 350.000 đồng một đêm. Chủ nhà có nấu cơm phục vụ khách.
Homestay nằm cạnh suối, mỗi ngày Thúy đều ngồi bên ban công đón nắng, gió, nghe tiếng suối chảy róc rách và ngắm cây hồng sai trĩu quả trước sân nhà. Đây là cảm giác bình yên mà cô mong muốn tìm kiếm.
Thúy ăn chay. Sa Pa có nhiều khách quốc tế, trong đó không ít người cũng ăn chay. Vì vậy, hầu hết các quán ăn, nhà hàng trong thị trấn và bản đều có món chay. Một số món chay Thúy yêu thích là súp bí đỏ, bún - nem chay, cơm lam, trứng xào cà chua, salad rau tươi, đậu sốt nấm... Giá các món ăn từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng.
Thời tiết mùa này chênh lệch nhiệt độ lớn. Vì vậy, nên mang theo nhiều đồ mỏng, thay vì một áo dày. Đêm và sáng sớm lạnh buốt, nên mặc thật ấm để tránh nhiễm lạnh. Trưa, chiều trời nắng nên có thể mặc váy áo chụp ảnh "sống ảo".
Phương Anh
Ảnh: Thuyquanly