Vợ tôi tốt nghiệp hệ cao đẳng một trường đại học tại Hà Nội, hiện làm tại một đơn vị của nhà nước. Công việc cũng không bận rộn lắm và để có hệ số lương khá hơn nên cô ấy đã đăng ký học liên thông lên đại học của một trường đại học có trạm đào tạo tại nơi chúng tôi đang sinh sống và làm việc.
Khi nghe đến cái tên trường, hệ đào tạo mà vợ tôi học thì tôi cũng biết rằng lượng kiến thức vợ tôi thu được chắc cũng chẳng đáng là bao, có chăng thì chỉ được cái hệ số lượng cao hơn chút nếu cơ quan cô ấy chấp nhận.
Thấm thoắt cũng đã ba năm kể từ ngày cô ấy nhập học, kỳ thi tốt nghiệp của vợ tôi vừa diễn ra. Khi nghe vợ tôi kể lại những gì đã diễn ra trong phòng thi tốt nghiệp có đầy đủ hội đồng coi thi, thư ký, giám sát thì tôi thấy giật mình mặc dù cũng biết rằng sự tiêu cực là không tránh khỏi. Không biết là những nhà quản lý giáo dục có biết điều đó không?
Trước khi thi cán bộ lớp của vợ tôi đã họp lên họp xuống để bàn bạc việc đóng góp để quà cáp cho cán bộ quản lý lớp, cho lãnh đạo trạm đào tạo tại địa phương, cho cán bộ coi thi, cho giám sát thi... hình như cũng hết 4 triệu mỗi người.
Trước hôm thi vì hai vợ chồng đang có con nhỏ nên tôi định nhận quyền trông con để vợ tôi có thời gian nhìn lại sách vở nhưng cô ấy bảo: "Anh chẳng phải lo, cán bộ lớp em lo hết rồi, mai chỉ việc chép thôi, năm ngoái có ai bị trượt đâu mà".
Đúng là như vậy thật, khi thi môn đầu tiền về vợ tôi kể lại rằng: "Có trục trặc tí, nhưng nói chung chắc là làm được, cán bộ ở trạm đào tạo người ta lo hết, đề thi được gửi ra ngoài qua chat, có thuê hẳn giáo viên giải đề cơ mà, giải được câu nào thì photo ra hàng loạt sau đó lại chuyển vào cho từng người một để chép, phòng em toàn người trẻ nên chép nhanh lắm".
Nói song cô ấy cười một cách khoái chí, tôi cũng quay đi cười gượng, chẳng hiểu kỳ thi hết môn thì sẽ còn diễn ra thế nào nữa? Chỉ biết rằng mồi lần thi hết môn cũng đâu mỗi người đóng 100.000 đến 200.000 đồng gì đó.
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng, nhưng khi chất lượng không kiểm soát nổi thì có lẽ là một thảm họa. Nhiều sinh viên thì nhiều học phí, nhiều học phí thì nhà trường mới tồn tại và phát triển được nên sẽ có nhiều loại hình đào tạo tạo mọi điều kiện để sinh viên được ra trường đúng hạn mà chẳng cần quan tâm đến chất lượng, chỉ cần nộp đủ học phí. Xã hội sẽ phải gánh trách nhiệm còn lợi ích sẽ thuộc về một số người.
BKA