Gạt bỏ yếu tố phim ảnh, những nhân vật trong phim của Ngô Quang Hải đã sống cuộc sống đời thực, làm công việc của người Mông, ăn món ăn người Mông, và suy nghĩ cũng giản đơn như tâm hồn người dân nơi đây. Đeo gùi, địu con, băm bèo, đuổi dê... Đỗ Hải Yến, Như Quỳnh, Đỗ Hoa Thúy... đã thực hiện nhuần nhuyễn như thể đó là cuộc sống của chính họ vậy.
Đỗ Hải Yến, người đóng vai chính - cô gái Pao - đã hầu như thật tự nhiên để đi hết vai diễn của mình. Không gượng ép, Hải Yến vào vai Pao và sống với nhân vật bằng hết cảm xúc. Về tổng thể, vai diễn của chị được nhiều người có nghề đánh giá là "tròn". Tuy nhiên, đôi khi những câu thoại kiểu trẻ con gây cảm giác dằn dỗi hơi quá mức bởi giọng nói sắc lạnh của Hải Yến. Ngoài ra, với nhan sắc của thiếu nữ đất Kinh Bắc, Hải Yến đã không khiến người xem tránh khỏi cảm giác hơi sắc sảo quá khi đem so sánh với nhiều gương mặt chị em người Mông lọt vào khuôn hình. Cả đôi chân nhỏ nhắn không chịu bó ở đoạn đầu, khác hẳn với bắp chân thô của người dân bản vốn quen leo rẫy, trèo đồi từ nhỏ, và giọng nói "đặc" người Kinh đã "tố cáo", Pao không phải là một cô gái dân tộc thiểu số.
Đỗ Hải Yến trong phim "Chuyện của Pao". (paomovie) |
Nữ diễn viên phụ xuất sắc Cánh diều vàng 2005 - NSƯT Như Quỳnh - đã chứng tỏ bản lĩnh và kinh nghiệm điện ảnh khi hóa thân vào nhân vật Kía, người mẹ già tội nghiệp. Nhẫn nhịn, hiền lành, chấp nhận... những phẩm chất tốt lành của người phụ nữ vùng cao đã được Như Quỳnh khắc họa rõ nét. Từ một cô gái xinh đẹp, giỏi giang nức tiếng một vùng, chỉ vì không thể sinh con với chồng mà Kía trở thành "cục đá kê chân cột" trong nhà. Nhưng cái khát khao tình yêu trong sâu thẳm trái tim Kía lại không hề nguội lạnh, nó vẫn cháy âm ỉ và sẵn sàng bùng lên khi có cơ hội.
Tình yêu xưa cũ tưởng đã thành dĩ vãng, nhưng sau bao năm chịu đựng thân phận "cục đá", Kía đã quyết tâm sống cho bản thân, bỏ tất cả sau lưng để xây dựng cuộc sống mới với tình yêu đời mình. Hình ảnh quay chậm khi Kía tay cầm ly rượu, trên người mặc bộ váy đỏ đẹp nhất trong đám váy áo, miệng cười thật tươi bên người đàn ông thổi đàn môi, nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc sáng cả góc chợ phiên là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh tới thị giác người xem. Góc máy đẹp này đối chọi lại hình ảnh cận cảnh đôi bàn tay lao động của Kía gân guốc, đen nhẻm và cứng quèo bởi băm bèo, nấu cám, nuôi dê... và ánh mắt thất thần khi bất lực nhìn theo lưng chồng mình bước vào buồng vợ hai.
Được kỳ vọng và đánh giá cao trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2005 cùng với NSƯT Như Quỳnh là diễn viên trẻ Đỗ Hoa Thúy. Cùng trang lứa với Hải Yến, nhưng Hoa Thúy đã diễn khá đạt vai mẹ của Pao (mẹ Sim). Chấp nhận làm vợ hai, sinh cho chồng hai chị em Pao mà không dám đòi hỏi danh phận, mẹ Sim cũng chấp nhận luôn cả sự hắt hủi của hai núm ruột. Và rồi, giới hạn chịu đựng đã hết khi người đàn bà ấy quyết tâm rời bỏ đau khổ trước mắt để tìm đến hạnh phúc mới, để tiếp tục dẫm vào vết xe đổ của cuộc hôn nhân không tình yêu.
Không thể phủ nhận hiệu quả của bữa tiệc màu sắc và âm thanh mà Chuyện của Pao đã cống hiến cho khán giả. Những khung hình sáng và rộng, thu vào tầm mắt người xem vẻ đẹp trong trẻo đến nức lòng của cảnh vật núi rừng phía Bắc. Khi thì vàng rực hoa cải, lúc lại trắng xóa hoa ban, xanh mướt ruộng ngô... Có cảm giác, đất trời Sa Pa, Mèo Vạc... đều được thu gọn sinh động và tỏa sáng trong ống kính của nhà quay phim Cordelia Beresford. Cùng với màu sắc lung linh ấy, âm thanh trong phim cũng rất sống động, biểu cảm, tác động trực tiếp tới cảm nhận người xem, giúp cho mỗi chuyển động tâm lý của Pao trở nên rõ ràng.
Chuyển thể từ một truyện ngắn, phim của Ngô Quang Hải khá chặt chẽ về bố cục và mạch cảm xúc. Ở phần cuối phim, Quang Hải sáng tạo ra cái kết khá logic, phù hợp với cuộc sống, vì thế dễ được chấp nhận khi so với câu chuyện còn dang dở của Đỗ Bích Thúy. Bà Kía giả chết để được yên bình bên hạnh phúc mới; người cha qua đời sau khi đạt mãn nguyện gặp lại bà Sim; còn Pao tìm thấy hạnh phúc bên chàng trai mỗi tối thổi đàn môi sau bờ rào đá nhà cô... Mỗi người có lựa chọn riêng cho cuộc sống, ai cũng có những bí mật, bí mật đó sẽ theo bạn suốt cuộc đời. "Đó là kết thúc mang đậm tính nhân văn. Tôi chọn nó vì tôi muốn thổi hồn vào tác phẩm của mình", đạo diễn Ngô Quang Hải nói về sự sáng tạo của anh.
Lời thoại đơn giản, hầu hết đều có trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, đạo diễn Ngô Quang Hải đã dùng chiến lược "nói ít, diễn nhiều" cho phim của mình. Sử dụng lời dẫn truyện để dẫn dắt người xem đi theo mạch phim, Quang Hải hy vọng diễn biến câu chuyện được mạch lạc, thẳng đường. Tuy thế, chính vì quá nhiều lời dẫn mà mạch phim của anh khi bị chậm, khi lại quá nhanh, và lời thoại nhiều chỗ thừa thãi, không cần thiết. Diễn biến tâm lý của Pao ít, chưa thực xuất sắc, câu thoại bị cứng thậm chí hơi chát chúa, và đôi chỗ còn gượng gạo. Tuy thế, nói như lời NSƯT Như Quỳnh thì: "Tôi bị Hải thuyết phục ngay từ khâu kịch bản, và với riêng tôi, Chuyện của Pao xứng đáng được tôn vinh".
Lê Bảo