“Chẳng ai đồng tình với việc làm của tôi cả. Thời ấy, người ta cho tôi là khùng, bố mẹ tôi cũng nghĩ thế. Trong khi thiên hạ đổ xô vào nghề này nghề nọ để ra tiền ngay thì mình mang cây rừng về trồng, chẳng biết bao giờ mới có lời lãi. Nhưng tôi nghĩ, làm gì cũng thế, mình phải đam mê và khi thành công tới mức nào đó, ắt sẽ có kinh tế”, ông Oai tâm sự.
![]() |
Nghệ nhân Ngô Ngạn Oai |
Ông Oai đã không mệt mỏi theo đuổi niềm đam mê của mình. Theo ông, bon sai là dạng cổ thụ nhỏ, muốn có một cây như ý phải mất ít nhất 10 năm. Nghề này đòi hỏi người trồng trang bị kiến thức rộng về địa lý, sinh học, về đặc tính sinh trưởng từng chủng loại cây. Ngoài sở thích gần gũi, quan sát thiên nhiên, người chơi cây phải mày mò đọc thêm sách báo. Cây ở vùng nào, người trồng cần hiểu thổ nhưỡng vùng đó để chăm bón cho phù hợp. Nếu là thông thì nuôi dưỡng nó phải là chất đất bazan, mai chiếu thủy hay mai vàng cần đất có chất muối hơn những loại khác… Nhiệt độ, khí hậu cũng có cách điều chỉnh tương ứng với nơi cây sinh ra. Thời gian đầu, ông Oai phải trả giá nhiều vì chưa nắm được các quy luật ấy. Ông mất không ít cây quý do sai sót trong cách bón phân, tưới nước, uốn tỉa. Có cây nuôi được 10 năm, hình dáng không như ý, ông lại cắt bỏ, nắn từ đầu.
Nhưng khó nhất trong thú chơi này, theo ông Oai, là làm sao khống chế được hình thể nhưng không làm cây cằn cỗi đi. Đồng thời, điều khiển cây ra hoa, ra trái đúng thời điểm mong muốn. “Bí quyết chính là kinh nghiệm người trồng về đặc tính sinh trưởng các loại cây thôi. Không phải loại cây nào mình cũng hoàn toàn điều khiển được nó. Đừng quá bắt ép cây theo ý mình, nhiều khi, dáng tự nhiên của cây đã rất tuyệt vời rồi. Tôi mới tạo được đỗ quyên, trà mi, mai, đào và trà hoa nữ ra hoa trái mùa”, ông Oai cho biết.
Vườn hoa của ông Oai hiện có gần 40 loại bon sai. Ông đang trưng bày tại Lễ hội hoa những tác phẩm ấn tượng về sanh, si, đỗ quyên, trà mi của mình. Giá trị khu vườn của ông khó ước lượng chính xác bao nhiêu tiền nhưng có thể nói, đó là một gia tài đáng kể. Tuy nhiên, đây cũng không phải là nghề mưu sinh chính của ông. Ông Oai bày tỏ: “Quý nhất là tôi có nơi để thư giãn, tĩnh tâm giữa bộn bề lo toan thường nhật. Và tác phẩm của tôi hy vọng có thể lưu giữ bóng hình của những cánh rừng nguyên sinh đang mất dần trong thực tế”.
Khác với ông Oai, gần 7 năm nay, ông Đoàn Văn Quỳnh bị vườn địa lan Anh Quỳnh ở 44 Vạn Kiếp, phường 8 “bó chân” cả ngày. Theo lời ông, 12 tiếng đồng hồ có ánh mặt trời hầu như chỉ sống với hoa, nhà lên đèn vợ con mới có cơ hội gặp mặt.
Ông Quỳnh cho biết, địa lan đang được thị trường ưa chuộng nhưng nó có thời gian sinh trưởng dài và “khó nuôi” bậc nhất trong các loài hoa ở đây. Từ khâu chọn giống, làm bầu chất bó rễ (giá thể), nuôi trong giá thể tới nuôi trong bịch nilon và trồng vào chậu đều cần sự tỉ mỉ, chính xác và sáng tạo nữa. Chỉ một khâu qua loa là dễ mất cả lứa hoa. Nếu không có lòng say mê thì chắc khó ai kiên trì trồng nó chuyên nghiệp.
![]() |
Nghệ nhân Đoàn Văn Quỳnh |
Ông hào hứng kể, cây giống thì phải chọn thân mập mạp, lá dày mới tốt. Theo phương thức thủ công, giá thể là rễ dương xỉ nấu chín lên trộn với phân dê. Lứa địa lan đầu, ông đã dày công tìm rễ dương xỉ từ rừng sâu về, vì nghe những người trồng trước nói, đây là loại rễ giàu dưỡng chất và đảm bảo được độ ẩm cao. Sau đó tỉ mẩn bọc cây giống lại, chăm hơn 3 tháng trong không gian thoáng mát rồi bó từng cây vào bịch nilon chừng 1 năm rồi trồng trong chậu. Giai đoạn 3 tháng và 1 năm của địa lan khó nhất là tưới nước, phải tưới đều, liều lượng vừa đủ sao cho cây không bị long rễ. Cây đưa ra chậu 2-3 năm mới có hoa, tưởng như giai đoạn này “nhẹ gánh” hơn nhưng thực ra, chỉ sơ sảy một chút là công 4-5 năm qua thành “công cốc”. Ông Quỳnh từng mất mấy chục triệu đồng chỉ vì tưới phân không đúng quy cách. Nhưng nay, ông tự tin vì nhìn vào màu lá, ông có thể điều chỉnh kịp thời chế độ “ăn uống” cho cây, tránh được hiểm hoa sâu bệnh, tiếu hoặc thừa chất.
Không bằng lòng với việc trồng cây vất vả theo phương pháp thủ công. Ông Quỳnh ngày đêm mày mò nghiên cứu, học hỏi cách trồng địa lan của Nhật, Hà Lan… để áp dụng vào vườn hoa của mình. “Địa lan ở nước ngoài trồng bằng nhà kính nhân tạo là chính với quy chuẩn nghiêm ngặt. Nhưng không gian Đà Lạt là một lồng kính tuyệt vời cho cây rồi. Ngay từ đầu, tôi luôn muốn hoa của tôi phát triển tự do trong tự nhiên mà vẫn to, đẹp, đa dạng. Tôi đã đầu tư nhiều thời gian tìm cách ứng dụng linh hoạt công nghệ mới phục vụ mục tiêu này”, ông Quỳnh nói.
Ông Quỳnh đang sử dụng giá thể ngoại nhập và các dụng cụ chăm sóc hoa hiện đại song theo cách riêng của mình. Và vườn địa lan ông thường xuyên có khoảng 10.000 chậu khoảng 1-5 năm tuổi với hơn 10 loại, được coi là một vườn hoa lớn và đa dạng nhất Đà Lạt. Dịp này, có hơn 1.000 gốc đang trổ bông rực rỡ thu hút hằng trăm lượt khách tham quan mỗi ngày. Ông phải từ chối không ít khách mua lẻ với lý do trưng bày phục vụ Lễ hội. Bận rộn nhưng luôn lạc quan, ông khẳng định: “Dù thế nào, chắc nghề này vẫn theo tôi suốt đời”.
Lương Nga