Trong đơn tố cáo, nhân viên tên Chang cho biết văn phòng mới của công ty nằm ở dãy núi Tần Lĩnh, cách chỗ cũ hơn 100 km đường núi, việc đi lại một chiều mất hơn hai giờ và phương tiện giao thông công cộng hầu như không tồn tại.
"Các đồng nghiệp của tôi không có phương tiện đi lại phải dựa vào xe buýt, ba giờ mới có một chuyến rồi đi bộ thêm 3 km nữa qua những con đường núi để đến văn phòng", Chang nói.
Anh cho biết thêm, một chiếc taxi từ ga tàu hỏa gần nhất có giá từ 50 đến 60 tệ (8 USD) trong khi công ty từ chối trợ cấp chi phí đi lại.
Chang cũng nhấn mạnh chất lượng kém và điều kiện làm việc không an toàn tại cơ sở, thiếu tiện nghi phù hợp. Anh cho biết các nữ nhân viên phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở ngôi làng gần nhất, cách đó "tám quãng đồng".
Anh và đồng nghiệp phải trở về nhà trong bóng tối, không có đèn đường và hàng đàn chó hoang trong khu vực luôn bám theo sau.
Đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt này, 14 trong số hơn 20 nhân viên đã nộp đơn nghỉ việc, sau những cuộc biểu tình không mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, chỉ bốn ngày sau các nhân viên đã nghỉ việc phát hiện công ty đã chuyển về thành phố và đang tuyển dụng một loạt nhân sự mới. Mọi người rất bất bình, cáo buộc công ty cố tình tạo ra những điều kiện khắc nghiệt để buộc họ phải nghỉ việc và không phải bồi thường.
Đại diện công ty bác bỏ và cho rằng chuyển văn phòng về vùng núi chỉ là biện pháp tạm thời để giảm chi phí. "Giá thuê của khu trung tâm thương mại cao và văn phòng mới đang được cải tạo. Chúng tôi đang điều hành một nhà trọ nên chỉ chuyển đến đó một tuần", ông nói.
Vị đại diện cho biết đang làm đơn kiện các cựu nhân viên đăng đàn nói xấu công ty, vì hành vi này "làm hoen ố danh tiếng của công ty và có thể gây ra tổn thất kinh doanh".
Song các nhân viên bác bỏ giải thích của đại diện công ty. "Công ty thông báo thời gian làm việc ở vùng núi có thể rất dài, có thể đến năm sau. Nếu chỉ trong một tuần, chúng tôi đã cắn răng chịu đựng rồi", một cựu nhân viên nói.
Vụ việc đã thu hút được sự ủng hộ đáng kể của cộng đồng mạng. Nhiều người chỉ trích tiểu xảo của công ty. Phần lớn các bình luận đứng về phía các nhân viên cũ, cáo buộc công ty có hành vi thao túng và thậm chí vi phạm hợp đồng lao động, trong đó nêu rõ địa điểm làm việc. Việc thay đổi địa điểm đó mà không có sự đồng ý của nhân viên là vi phạm hợp đồng.
Hải Thư (Theo ODD)