Ngày xưa em bé, đã ước mơ gì?
Còn anh mơ ước sẽ được bay xa
Đến những cánh đồng, đến những mặt hồ tận nơi cuối trời
Hát với gió ngàn, hát với người yêu dấu...
Người mình yêu dấu ở đây chính là papa của mình. Cả đời hy sinh vì con cái đến cái áo sơ mi mặc cả mấy năm vẫn chưa dám sắm một cái mới. Con muốn một ngày nào đó không xa sẽ được cùng papa đi thăm những cánh đồng vàng rực nở đầy hoa nơi con mỗi ngày đi làm đều ngang qua, để papa thấy những gì con đã làm được sau tất cả những hy sinh vất vả mà papa dành hết cho con.
Nước Pháp công bằng, tình người nhân đạo đã chắp cánh giấc mơ bé con của mình. Ảnh tác giả cung cấp |
Ngày còn bé, mình rất thích ăn bánh mì, nhiều lúc chán cơm thèm… bánh mì, cứ đòi papa mua bánh mì ăn suốt cả tuần. Papa hay chọc sau này chắc mày đi Pháp quá. Câu nói này gieo vào đầu chú bé "mê bánh mì" một giấc mơ mà mình vẫn gọi tên giấc mơ Pháp.
Nhà mình rất nghèo, phải ở nhà thuê, nhà mướn mà ký ức tuổi thơ mình lớn lên in dấu không dưới chục lần chuyển nhà, cho nên câu nói vui ngày nào của papa giờ thành hiện thực thì đó hơn cả một câu chuyện cổ tích. Bởi lẽ ai cũng nghĩ du học Pháp là dành cho các bạn con nhà có điều kiện, học chương trình tiếng Pháp còn mình thì không. Nước Pháp công bằng, tình người nhân đạo đã chắp cánh giấc mơ bé con của mình.
Vì tương lai của chính mình, mình đã bỏ ngoài tai những lời bàn tán của thiên hạ đại loại như nghèo mà đua đòi du học, để chọn con đường riêng. Thật ra đi ngược dòng thế hệ từ tiếng Anh qua tiếng Pháp là một lựa chọn đầy rủi ro, nhưng trong cái rủi luôn có cái may. Nếu đi con đường ít ai chọn thì rõ ràng con đường ấy sẽ bớt chật chội và không cần phải giành đường, lấn tuyến dễ gây va chạm với nhiều người khác.
Đó là lý do giải thích cho cái sự "khùng" của mình 5 năm về trước khi quyết định đi học Pháp. Và cái kiểu "khùng" này vẫn còn tiếp diễn trong cuộc thi viết này, trong khi mọi người ra sức viết thật hay, chứa chan cảm xúc về nước Pháp đầy lãng mạn thì mình lại vẫn trung thành với lối viết thoải mái tự do, không gò ép nhưng chân thành, bày tỏ cảm tình và suy nghĩ của mình. Bên cạnh đó mình cũng muốn giới thiệu với mọi người về một khía cạnh mới hơn về cuộc sống học hành tại Pháp dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Trước hết, du học, việc đầu tiên phải học là vượt lên chính mình, vượt qua những rào cản tâm lý. Không đơn giản là vì một tấm bằng ngoại quốc mà du học còn đem lại rất nhiều lợi ích cho chính bản thân như việc học được cách tự chăm sóc bản thân, tự quản lý thời gian của mình, có khả năng thích ứng tốt với cuộc sống sau này ở bất kỳ nơi đâu với hành trang kiến thức vững vàng. Đó mới là giá trị thật sự khi ta chấp nhận bỏ công sức, tuổi trẻ, hy sinh cả tình cảm cá nhân để rời xa quê hương, gia đình, bạn bè và người yêu đến một chân trời mới.
Thật vậy, cách đây không lâu, papa mình bị tai biến, gia đình giấu mình đến khi thi cuối kỳ xong, mới cho mình biết. Ngày nào còn bé quấn quýt chơi đùa với papa, cái nghề "đi xây tổ ấm" mình đang theo cũng do papa truyền cảm hứng cho, vậy mà khi papa bệnh, mình không thể về chăm sóc papa.
Papa mình năm nay đã ở tuổi thất thập, mình rất sợ, sợ một ngày nào đó, cái ước muốn được cùng papa đi du lịch Pháp sẽ không kịp thực hiện. Viết đến đây, mình không thể cầm lòng được nữa, để những giọt nước mắt, ít thôi, ứa ra nhẹ nhàng trên khóe mắt. Mà vì sao chỉ một ít thôi, vì đó là nước mắt của một đứa con trai nghe lời dạy của papa nó, phải luôn mạnh mẽ, cứng rắn, biết chấp nhận hy sinh vì tương lai tốt đẹp. Papa đặt hết kỳ vọng vào người con trai cả này, anh hai tốt thì sẽ dẫn cả đàn em nên người. Mình nhớ mãi không bao giờ quên…
Con muốn một ngày nào đó không xa sẽ được cùng papa đi thăm những cánh đồng vàng rực nở đầy hoa nơi con mỗi ngày đi làm đều ngang qua. Ảnh tác giả cung cấp |
Vậy nước Pháp có gì hay để mình chấp nhận nhiều thứ như thế này?!
Đầu tiên, ta không thể phủ nhận sự quan tâm và hỗ trợ hết mình của chính phủ Pháp. Vì thế nên cả một năm học chỉ tốn 250 đến 700 euros tùy trường (chỉ khoảng 6 triệu đến 18 triệu VND). Thậm chí nếu bạn học giỏi, bạn có thể xin miễn giảm học phí nếu điều kiện kinh tế gia đình khó khăn.
Còn tiền nhà thì tùy vùng, nhưng sau khi được trợ cấp xã hội CAF hoàn lại gần một nữa, tính thêm tiền ăn uống thì tổng cộng chi phí sinh hoạt một tháng chỉ khoảng vào tầm 500 euros (13 triệu VND). Hơn nữa, đi đến đâu, sinh viên cũng đều được hỗ trợ, ví dụ như giảm giá vé tàu lửa, xe bus và các dịch vụ công ích khác. Một lần nữa, ta lại thấy được chính sách thiết thực dành cho thế hệ trẻ cũng như tính nhân đạo, công bằng không phân biệt đối với sinh viên quốc tế. Nếu không có sự trợ giúp này thì có lẽ mình đã vác ba lô về Việt Nam, bỏ giấc mơ Pháp từ rất lâu rồi.
Chương trình đào tạo bậc đại học ở Pháp tương đối nặng vì khối lượng kiến thức 4 năm cử nhân như ở Việt Nam được tích hợp lại chỉ trong 3 năm, học cả sáng lẫn chiều cả tuần. Và cũng vì thế, bạn chỉ cần 5 năm để hoàn tất học vị thạc sĩ.
Hơn nữa, giáo dục Pháp giúp sinh viên tiếp cận thực tế tốt từ những kỳ thực tập làm công nhân, để hiểu được câu lao động là vinh quang cho đến các kỳ thực tập chuyên ngành giúp cọ sát nhiều hơn với môi trường làm việc nhiều áp lực sau này. Trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên tìm được việc làm thông qua các sự kiện hướng nghiệp hợp tác giữa trường và các công ty trong ngành học do trường đào tạo.
Xét về môi trường học tập, bạn bè quốc tế từ bốn phương trời rất thân thiện, vui tính nên bạn sẽ không cảm thấy căng thẳng chút nào. Ngoài ra, đôi với các thầy cô, mình rất phục họ. Tuy rất bận với công tác vừa dạy, vừa nghiên cứu khoa học nhưng mỗi khi sinh viên cần tham vấn ý kiến về một đề tài mới, họ luôn dành chút thời gian quý báu, lên lịch hẹn để lắng nghe ý tưởng.
Chẳng hạn như đề tài "Móng nhà từ vỏ xe tải cũ trên nền đất yếu" do mình đề xuất, sau khi được thầy trưởng khoa xây dựng trường mình hướng dẫn hoàn thiện, mình đã mạnh dạn áp dụng vào xây nhà của dì bảy mình tại quê nhà Sa Đéc, Đồng Tháp.
Sau đó, các thợ trong vùng thấy hay cũng chỉ nhau áp dụng loại móng mới vừa rẻ tiền mà cũng rất thân thiện với môi trường này. Đối với mình, không những đó là công trình đầu tay của mình, mà còn là một niềm hạnh phúc, một chút đóng góp nho nhỏ cho quê hương.
Móng nhà làm từ vỏ xe cũ tại Sa Đéc, Đồng Tháp, Việt Nam. Ảnh tác giả cung cấp |
Tóm lại, học tại Pháp, bạn có kiến thức vững chắc, luôn được đánh giá cao, tiếp nhận sáng kiến và tận tình hướng dẫn để trở thành những con người đầy sáng tạo, tự tin và quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Đó là những gì mình rất thích khi học ở đây.
Chắc bạn cũng vậy? Tại sao không thử lên kế hoạch cho tương lai ngay từ bây giờ với việc làm quen với tiếng Pháp? Mình cũng chỉ là một con người bé nhỏ bình thường, không có tài mà mình có thể làm được thì tại sao bạn không thể chứ? Rendez-vous en France ! Hẹn gặp lại các bạn ở Pháp.
Nguyễn Thái Hòa