Trong nhật ký của mình, Sharon viết về nỗi sợ hãi rằng cô sẽ bị suy sụp thần kinh. Nhưng hàng ngày, cô vẫn phải đeo chiếc mặt nạ dũng cảm để đến trường dạy học.
Khi cô về Anh để đón Giáng sinh nămm 2004, mẹ cô biết chuyện và cầu xin con gái ở lại. Sharon hiểu sự lo lắng của mẹ nhưng không thể làm thế được. Còn món nợ tiền học đại học mà mỗi tháng phải trả 1.400 USD và công việc ở Nhật là nguồn thu duy nhất. "Bên cạnh đó, tinh thần chiến đấu của tôi vẫn còn một ít và tôi hy vọng khi trở lại Nhật, cảnh sát có tin tốt lành".
![]() |
Lindsay Hawker, cô gái Anh bị giết tại Nhật. Ảnh: AP/HO. |
Thật không may là cảnh sát không có tin gì. Và kể từ khi Sharon về Anh, không một lá thư nào được gửi đến, chứng tỏ gã kia theo dõi cô chặt chẽ. Sharon nghĩ rằng sau hai tháng, có lẽ hắn đã thay đổi ý định và cô quyết định trở về ngôi nhà thuê một mình.
Ngay tại chỗ đỗ xe, cô nhìn thấy một người đang theo dõi nhà mình. "Tim tôi đập loạn xạ. Liệu có phải hắn ta đấy không?". Cô lái xe một vòng quanh nhà rồi trở lại và thở phào khi hắn ta bỏ đi.
Bỗng nhiên, Sharon thấy người đàn ông đó đứng ngay bên tay lái của cô và tìm cách mở cửa. Cô đập vội vào nút đóng cửa và bắt gặp ánh mắt anh ta.
"Anh ta thấp, gầy và khoảng 40 tuổi. Nhưng đập vào mắt tôi nhất là ánh mắt anh ta, ánh nhìn lạnh lẽo xoáy vào tôi", cô kể lại.
"Anh ta có vẻ rất bình tĩnh. Trong một giây lát, người tôi cứng đờ vì sợ. Khi anh ta bỏ tay xuống, tôi nhấn ga phóng đi, nhưng mất kiểm soát và lao xuống mương".
Cảm giác kinh sợ bùng lên trong huyết quản, Sharon cố vùng vẫy khỏi chiếc xe và chạy đến ngôi nhà gần nhất rồi đập cửa. "Tôi bị thương nhưng vẫn nhìn thấy gã đó bước rất nhanh lại phía mình. Trong khoảnh khắc đó, tôi nghĩ hắn sẽ giết mình. Tôi gào khóc trong cơn hoảng loạn".
Bỗng nhiên, cánh cửa của ngôi nhà bên cạnh bật mở sáng lòa. Ngôi nhà mà Sharon đang đập điên loạn không có ai ở nhà, nhưng may mắn là người láng giềng đã nghe thấy tiếng động.
"Khi tôi nhìn thấy ánh sáng đó, tôi lao đến và cố gắng giải thích với họ rằng tôi đang gặp nguy khốn, tôi phải gọi điện cho một người bạn ở trường để nhờ họ phiên dịch".
Đôi vợ chồng này nhìn ra ngoài nhưng gã kia đã bỏ đi. Họ chở Sharon đến nhà người hiệu trưởng. Cô miêu tả cho cảnh sát nhận diện kẻ bám theo mình với hy vọng cơn ác mộng sẽ sớm qua đi.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế. Quá kinh hãi vì vụ chạm mặt với gã đàn ông kia, Sharon được đề nghị ở lại nhà người hiệu trưởng và hiếm khi dám ra khỏi nhà trừ khi đến trường.
"Tôi không dám đi đâu một mình nữa và thôi hẳn chuyện giao du", cô giải thích. "Tôi muốn về nhà nhưng không thể vì vướng hợp đồng với trường đến tận tháng 7. Nếu tôi phá hợp đồng, họ sẽ không trả tiền vé gần 1.600 USD cho tôi về Anh".
6 tháng sau đó Sharon sống như trong địa ngục. Cô ở tại nhà vị hiệu trưởng đến tháng 3 rồi tìm một ngôi nhà khác. Tất cả các cửa ra vào và cửa sổ đều có hai lớp, và chỉ khi đó cô mới cảm thấy an toàn.
"Quãng thời gian khi đêm về là khủng khiếp nhất. Mỗi khi nhắm mắt, tôi lại mường tượng ánh mắt sắc lạnh của hắn ta. Trong phòng ngủ mới của mình, tôi đã vẽ phương án tẩu thoát khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Trong đêm tối, mỗi tiếng động nhỏ nhất cũng khiến tôi tỉnh giấc. Thuốc ngủ không ích gì".
Hầu như ngày nào Sharon cũng gọi cho cảnh sát nhưng họ không tìm ra kẻ đã theo đuổi cô. Và vì thế, cơn ác mộng không thể chấm dứt.
Trở về Anh năm ngoái, giờ đây Sharon sống ở London và làm phóng viên của một tạp chí kinh tế. Tin tức về cái chết của Lindsay khiến những ký ức kinh hoàng sống lại trong cô. "Tôi sốc, kinh sợ và tức giận. Tôi có thể đã chịu chung số phận như thế nếu người hàng xóm không mở cửa đúng lúc. Chuyện gì đã xảy ra nếu tôi không phát hiện ra anh ta?".
Mai Trang (theo Daily Mail)
* Phần I