Chiếc máy bay Boeing 787-9 khởi hành từ New York, Mỹ vào 21h27 ngày 18/10 (giờ địa phương) với 49 người, trong đó có 4 phi công lái thay phiên và 2 phi công phụ. Do giờ Sydney sớm hơn giờ New York 15 tiếng, hãng bay phải đề nghị hành khách chỉnh đồng hồ theo giờ của đích đến sau khi ổn định chỗ ngồi.
Để giữ tỉnh táo theo lịch trình, hành khách được tập thể dục và yoga nhẹ nhàng, uống đồ chứa caffein và ăn một bữa trưa có vị cay thay vì bữa tối như thông thường, để làm quen với thời gian của điểm đến. 6 tiếng sau, hành khách được phục vụ thức ăn có hàm lượng carbohydrate cao, tránh sử dụng các thiết bị điện tử và khuyến khích ngủ xuyên đêm.
Chuyến bay có 6 tình nguyện viên. Những người này phải ghi lại nhật ký về giấc ngủ và thực đơn ăn uống trong 2 tuần trước chuyến bay thử nghiệm. Họ cũng phải theo dõi giấc ngủ 2 tuần sau chuyến bay.
Tham gia chuyến bay thử nghiệm, các chuyên gia từ Đại học Sydney điều chỉnh nhiệt độ cabin, chế độ ánh sáng, thực đơn, bài thể dục giãn cơ và nghiên cứu tác động của jet lag (tình trạng mệt mỏi sau chuyến bay xa và lệch múi giờ). Dữ liệu sẽ được chia sẻ với Cơ quan An toàn Hàng không dân dụng Australia để cập nhật yêu cầu pháp lý liên quan đến các chuyến bay siêu dài.
Chuyến bay thử nghiệm do hãng hàng không Qantas thực hiện, hạ cánh tại Sydney, Australia vào 7h33 ngày 20/10 (giờ địa phương). Máy bay đã đi qua quãng đường 16.200 km mà không cần hạ cánh tiếp nhiên liệu, khoang dưới không vận chuyển hàng hóa.
Tháng sau, hãng bay này dự định thử nghiệm một chuyến bay thẳng từ London (Anh) đến Sydney. Nếu thuận lợi, đường bay sẽ đi vào hoạt động vào 2022 hoặc 2023. Năm ngoái, hãng bay Australia này cũng đưa đường bay thẳng Perth - London vào hoạt động, hành trình kéo dài 17 giờ.
Những chuyến bay thẳng dài nhất thế giới đang được khai thác:
An An (Theo BBC)