Thảo luận dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) sáng 23/6, nhiều đại biểu không đồng tình với quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Đề nghị cân nhắc quy định trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, việc sửa đổi như trên là xây dựng luật theo hướng thụt lùi, không dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Theo ông Nghĩa, qua khảo sát, hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có bản lĩnh, lập trường rõ ràng, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nên không ngại xét xử các vụ án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp khi có vi phạm. Đại biểu Nghĩa đề nghị giữ nguyên thẩm quyền xét xử án hành chính của tòa án cấp huyện như hiện nay. Có như thế mới tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án.
Đồng ý với ông Nghĩa, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho biết, Việt Nam đang tăng cường thẩm quyền của Tòa án cấp huyện. Tòa cấp huyện trước đây chỉ cho xét xử đến 2 năm tù giam, sau cải cách chúng ta nâng dần lên 5 năm, 7 năm, bây giờ Tòa cấp huyện được xét xử đến 15 năm tù. “Không có một lý do gì nói là trình độ cán bộ cấp huyện yếu, bởi họ đã làm được những vụ án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh ngày trước làm. Cơ bản bây giờ số án hình sự là Tòa cấp huyện xét xử. Họ không có tòa chuyên trách, nhưng theo tôi quyết định hành chính này có điều chúng ta ngại là sợ thẩm phán không dám đối đầu với chính quyền địa phương, tôi cho rằng điều đó không phải như vậy”, đại biểu Thuyền nói..
Theo đại biểu Thuyền, nếu đưa các vụ án hành chính lên cấp tỉnh, người dân phải đi rất xa. Ông Thuyền ví dụ, ở Lâm Đồng từ cấp huyện lên tỉnh gần 300 km thì việc này rõ ràng trở ngại, khó khăn cho dân. “Chính vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm của đại biểu Nghĩa ở Đà Nẵng là thẩm quyền xét xử này vẫn thuộc cấp huyện”, ông Thuyền nhấn mạnh.
Cũng nói tới khó khăn trong đi lại của người dân, đại biểu Phạm Xuân Thường phân tích, người dân lẽ ra đi 10-20 cây số để kiện, giờ phải đi hàng trăm cây số, ở vùng miền núi thì đi làm sao được. Ông Thường thông tin, khi xây dựng Luật tố tụng hành chính năm 2010, dự kiến 35.000-40.000 vụ kiện một năm, nhưng nay mới xử một năm đã hơn 50.000 vụ. Đưa ra quy định trên “chẳng khác chúng ta chặt chân của người dân” và sẽ không ai đi khiếu kiện nữa, vụ việc chắc chắn sẽ giảm.
Theo đại biểu Ngô Văn Minh, việc tiếp tục hoàn thiện tố tụng hành chính hết sức cần thiết. "Tuy nhiên, như dân gian nói, những vụ án hành chính như "con kiến kiện củ khoai". Cần phải hoàn thiện nhiều hơn nữa những chế định để củng cố niềm tin trong nhân dân", đại biểu Minh kiến nghị.
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi gồm 22 chương, 340 điều. So với Luật tố tụng hành chính hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 75 điều, trong đó giữ nguyên 122 điều, sửa đổi, bổ sung 142 điều hiện hành và bổ sung 76 điều mới. Dự thảo Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp sau.
Võ Hải