Trên tờ International Journal of Mental Health and Addiction, mới đây nhóm tác giả từ Đại học Nottingham Trent (Anh) và Đại học Thiagarajar (Ấn Độ) khẳng định nghiện chụp ảnh "tự sướng" selfitis hay nghiện chụp ảnh selfie là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Khảo sát trên 400 tình nguyện viên ở Ấn Độ, đất nước nhiều người sử dụng Facebook và nhiều người chết vì selfie nhất, các nhà khoa học phát hiện chứng selfitis có ba cấp độ như sau:
Ranh giới: Chụp ảnh "tự sướng" ít nhất ba lần một ngày nhưng không đăng lên mạng xã hội.
Cấp tính: Chụp ảnh "tự sướng" ít nhất ba lần một ngày và đăng hết lên mạng xã hội.
Mạn tính: Không kiểm soát được nhu cầu chụp ảnh "tự sướng" và đăng lên mạng xã hội hơn sáu lần một ngày.
Các yếu tố thúc đẩy chứng selfitis bao gồm mong muốn tăng cường tự tin, tìm kiếm chú ý, cải thiện tâm trạng, kết nối với môi trường xung quanh (nhằm tạo ra nhiều kỷ niệm), hòa nhập với các nhóm bạn bè và cạnh tranh về mặt xã hội.
Năm 2014, tin Hiệp hội Tâm thần Mỹ xếp chứng nghiện chụp ảnh "tự sướng" vào danh mục bệnh tâm thần xuất hiện trên hàng loạt phương tiện truyền thông và bị cho là lừa đảo,
"Trước đây đưa selfie vào danh mục tâm thần bị cho là trò lừa đảo nhưng điều đó không có nghĩa chứng selfitis không tồn tại", tiến sĩ Mark Griffiths, giáo sư hành vi nghiện từ khoa Tâm lý học, Đại học Nottingham Trent cho biết.
Với kết quả trên, nhóm tác giả kỳ vọng giới nghiên cứu sẽ tiếp tục giải thích lý do gây nghiện chụp ảnh "tự sướng" đồng thời đưa ra biện pháp can thiệp hiệu quả cho bệnh nhân selfitis.
Xem thêm: Lý do bạn tuyệt đối không nên vừa đi vừa nhắn tin