Gần Tết Canh Tý, đi dọc quốc lộ 57 đoạn từ xã Hưng Khánh Trung B đến xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) gần 6 km, hàng trăm chú chuột khổng lồ được tạo hình từ cây tắc (quất), xếp vào chậu bày bán hai bên đường.
Buổi sáng, nghệ nhân Nguyễn Văn Dị dùng xe ba gác chở những chậu tắc kiểng về tập kết trước sân nhà ở xã Hương Khánh Trung B. Đây là những chậu được nhà vườn trồng cây con từ đầu năm, sau đó chăm sóc, xử lý cho ra hoa, đậu trái đúng dịp Tết.
Tại xưởng nhà, ông cẩn thận dùng kéo cắt, uốn các thanh sắt thành nhiều đoạn, rồi hàn xì nối chúng lại với nhau. Đến trưa, khung sắt hoàn thành, đã ra dáng một chú chuột đứng cao một mét.
"Xưa mình không học qua trường lớp cơ khí gì cả, chỉ xem hình mẫu, sau đó tưởng tượng trong đầu rồi làm riết thành quen thôi", ông Dị nói.
Các bụi tắc sai quả được ông Dị lựa ra, sau đó lần lượt kết vào khung sắt, phần rễ cho vào chậu, phần thân cố định bằng dây kẽm, sao cho phần lá và trái phủ kín hết phần khung.
Hơn 10 năm làm nghề tạo hình 12 linh vật bán Tết, nghệ nhân này cho rằng, ngoài con gà và con khỉ khá phức tạp, các linh vật khác đều dễ làm, khâu quan trọng là tạo hình cho gương mặt phải sống động, có hồn. Ngoài ra, người ráp tắc vào khung cũng phải là thợ lâu năm, quen tay, bởi nếu kết thưa quá sản phẩm sẽ xấu, còn kết quá chặt cây dễ bị rụng trái.
Đến cuối giờ chiều, các bụi tắc đã được ráp kín vào khung, ông Dị tiếp tục dùng giấy màu dán tạo hình khuôn mặt và hai tai, mũi và sơn màu hai mắt. Cuối cùng, nghệ nhân dùng dây ruy băng nhiều màu viền xung quanh để hoàn thiện linh vật.
Quất kiểng chuột tại xưởng ông Dị được tạo hình rất đa dạng, cao 1-2 m, từ chuột đứng vẫy tay mô phỏng theo chuột Mickey trên phim hoạt hình, đến chuột ngồi, chuột ôm thỏi vàng ý nghĩa mang tài lộc đến cho gia chủ.
Tết Canh Tý năm nay, xưởng của nghệ nhân Dị được khách từ TP HCM và các tỉnh miền Tây đặt hàng hơn 10 cặp chuột, tùy loại sản phẩm và kích thước lớn nhỏ, mỗi con có giá 2-10 triệu đồng, có thể để chưng khoảng một tháng mới tàn.
Anh Huỳnh Quang Thanh (31 tuổi), một nghệ nhân tạo hình linh vật Tết ở cùng địa phương cho biết, năm nay, hạn mặn đến sớm hơn năm trước khoảng ba tháng, nên từ đầu vụ, nhiều nhà vườn phải trữ nước ngọt để tưới cây. Do cây tắc chịu được hạn mặn 2-3 phần nghìn, thời tiết lại nắng tốt, nên vụ tắc kiểng Tết không bị ảnh hưởng nhiều.
"Linh vật tắc kiểng thường có giá cao gấp 5-10 lần so với tắc bình thường, nên hàng chục gia đình khác ở địa phương cũng tranh thủ đầu tư. Riêng gia đình tôi làm trên 20 con chuột lớn, nhỏ bán Tết", anh Thanh nói.
Làng hoa Chợ Lách khoảng 600 ha, năm nay có khoảng 11 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại bán Tết. Ngoài hình chuột, các nghệ nhân còn biến tấu tắc kiểng thành hình tháp, lục bình theo yêu cầu khách hàng.
Ông Trần Minh Mẫn, Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách cho biết, cây tắc kiểng uốn theo hình các linh vật là sản phẩm độc quyền nhiều năm qua ở địa phương, vì đòi hỏi tay nghề khá cao của các nghệ nhân, nên thường có số lượng không nhiều như các loại khác.
Hoàng Nam