Theo Reuters, Trung tâm Hành động Chống Mìn Campuchia (CMAC) đang đào tạo 12 người làm việc với 15 con chuột túi Gambia. Chúng được huấn luyện để đánh hơi bom mìn còn sót lại ở nhiều vùng nông thôn.
Kể từ khi nội chiến kết thúc năm 1979 đến nay, bom mìn còn sót lại đã giết chết gần 20.000 người, làm bị thương 44.000 người, theo chính phủ Campuchia. Lũ chuột được gửi đến Campuchia từ Tazania hồi tháng 4 bởi APOPO, một tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ. Chuột được đào tạo từ khi chúng 4 tuần tuổi.
"Tôi sống chung với lũ chuột như anh em. Chúng tôi rất hiểu nhau. Tôi đưa chúng đi đánh hơi mìn, chơi đùa, âu yếm, cho chúng ăn hàng ngày. Cảm giác như lũ chuột là anh em hoặc con cái của tôi vậy," Meas Chamroeun, một huấn luyện viên nói.
Tại trường đào tạo, những con chuột to lớn, có thể nặng tới 1,8 kg, được huấn luyện ngửi mùi thuốc nổ TNT. Khi phát hiện thuốc nổ, chúng sẽ dừng lại, báo hiệu cho người đi cùng, và được khen thưởng bằng một quả chuối.
"Khi mới đến, tôi đứng nhìn giám sát viên đào tạo lũ chuột. Giờ đây, tôi đã có thể huấn luyện chúng đánh hơi trong không khí, hoặc chạy quanh một đối tượng hay quả mìn," So Malen, một nữ huấn luyện viên nhớ lại.
Giám sát viên Theap Shoeun cho biết, chuột chứng tỏ khả năng phát hiện bom mìn từ xa nhanh hơn con người. "Chuột làm việc nhanh gấp 5-6 lần con người. Trong khu vực rộng 100 m2, chúng có thể đánh hơi phát hiện trong chưa đầy 20 phút, trong khi con người phải mất 4-5 ngày."
APOPO đã sử dụng loài chuột này cho nhiều dự án gỡ bom mìn ở các quốc gia như Angola, Mozambique, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Một trong những lợi thế lớn nhất khi dùng chuột dò mìn là tính an toàn cao. Chúng không đủ nặng để kích hoạt mìn nổ.
Hồng Hạnh