Tôi có một ông anh đi làm công tác tổ chức tư vấn tuyển sinh đến nay đã được hơn 10 năm. Hôm qua, nghe anh tâm sự về lối sống thực dụng đang len lỏi ăn sâu vào tâm hồn học sinh bây giờ, tôi ngẫm mà buồn.
Anh ấy nói trong quá trình công tác tư vấn cho học sinh, anh ấy chưa bao giờ nghe một học sinh nào gửi gắm ước mơ trở thành nhà khoa học, nhà sử học, nhà văn hay vũ trụ học… Hầu hết các em chỉ mơ ước trở thành bác sĩ, nhà ngoại giao, công an, sĩ quan quân đội. Thậm chí còn cụ thể hơn là nhân viên thuế vụ, nhân viên hải quan sân bay hay quản lý thị trường…
Tại sao không phải là nhà khoa học? Phải chăng ngành này các em phải học hành nhọc nhằn hơn? Hay những ngành này không “hái ra tiền”?
Sự thật bây giờ hầu hết các gia đình đều hướng nghiệp cho con em thi vào những ngành mà họ nghĩ rằng là đơn giản, ít tiền học phí, ra trường có việc làm ngay hoặc kiếm được nhiều tiền. Mặc dù, những ngành đó mỗi năm chỉ được khoảng hơn 10% vượt qua được cánh cửa trường đại học.
Suy cho cùng, nhà trường cũng là tấm gương phản chiếu của hiện thực xã hội, nơi đồng tiền đang lên ngôi. Nhưng đó không phải là lỗi của các em. Lỗi chính ở đây là người lớn chúng ta đang tiêm nhiễm, lối sống thực dụng, xem trọng vật chất vào tâm hồn của các em theo kiểu “có tiền mua tiên cũng được”, “kẻ giàu là kẻ mạnh”, “có tiền là có công lý”… chứ không phải là người có trình độ, văn hóa mới là kẻ mạnh.
Nhà văn Nguyên Ngọc nói rằng một xã hội quay lưng với các ngành khoa học xã hội là một xã hội suy đồi. Một nền giáo dục nếu để cho các ngành khoa học xã hội bị đẩy xuống hạng bét, để cho “chuột chạy cùng sào mới vào khối C” là một nền giáo dục thất bại.
Những chuyện bạo lực học đường, nam nữ đánh nhau, chửi đánh thầy… chẳng có gì là lạ lẫm đối với chúng ta. Phải chăng lối sống thực dụng lên ngôi đã đẩy cho nhân cách con người xuống cấp? Và xã hội sẽ ra sao khi những ngành khoa học nhân văn không phải là lựa chọn chính của học sinh hay những môn giáo dục nhân cách, đạo đức làm người bị xem nhẹ?
Rồi có ngày chúng ta sẽ nhận ra rằng vật chất cũng không mang lại được hạnh phúc, ngược lại vật chất còn nô lệ hóa con người, lúc ấy tự khắc chúng ta sẽ phải thay đổi thôi.
>> Xem thêm: Thầy trò đánh nhau, cơ hội của con cái chúng ta
Chia sẻ bài viết của bạn về vấn đề giáo dục tại đây.