Vào một tối thứ ba tại một quán cà phê Internet không treo biển ở trung tâm thủ đô Dakar, Senegal, hơn chục người ngồi túm tụm điền vào một mẫu đơn. Chủ quán, anh Ouseynou Diouf, ra sức giúp đỡ, tất nhiên không miễn phí. Mỗi người phải nộp 10 USD, tương đương 2 - 4 ngày lương, cho Diouf để trả phí truy cập Internet và tư vấn, New York Times đưa tin.
Mỗi năm, chương trình xổ số thẻ xanh của Mỹ thu hút khoảng 15 triệu người đăng ký, trong đó, chưa đến 50.000 người, tương đương khoảng 0,3%, được cấp thẻ xanh lưu trú tại Mỹ.
Quá trình xét duyệt giống như trò xổ số đầy may rủi. "Người trúng số" không cần phải có tay nghề hay kỹ năng lao động đặc biệt và cũng không cần sự bảo lãnh của người thân. Mỗi tờ đơn được ví như tấm vé số giúp những người nhập cư thoát khỏi cuộc sống nghèo đói ở quê nhà, có cơ hội chạm tới giấc mơ Mỹ.
Quá trình nộp đơn kéo dài một tháng, từ 18/10 đến 22/11. Đến mùa xuân, một máy tính của chính phủ Mỹ đặt tại Kentucky sẽ chọn ngẫu nhiên 100.000 người để sàng lọc tiếp.
Đúng trưa ngày 15/5, hàng triệu người trên khắp thế giới truy cập vào website Bộ Ngoại giao Mỹ để tìm xem họ có tên trong danh sách được chọn vào "vòng quay thưởng" cuối cùng hay không. Những người này sau đó phải trải qua phỏng vấn với cơ quan di trú Mỹ. Lý lịch cá nhân và tình trạng sức khỏe của họ cũng sẽ được kiểm tra kỹ càng.
Cuối cùng, 50.000 "người trúng số", với vợ và con cái, sẽ được cấp thẻ xanh lưu trú hợp pháp ở Mỹ. Sau 5 năm, họ có đủ điều kiện để xin nhập tịch.
"Nhờ chương trình xổ số thẻ xanh mà tôi có thể sống ở đây, học luật và cưới vợ. Hiện tôi có 4 đứa con xinh xắn và có công ty luật của riêng mình", Olsi Vrapi, một người nhập cư gốc Albania, chia sẻ.
Cách đây 14 năm, khi nộp đơn theo chương trình bốc thăm thẻ xanh ngẫu nhiên, Vrapi đang là du học sinh tại đại học New Mexico. Vrapi hiện sở hữu công ty luật với 23 nhân viên có trụ sở tại thành phố Albuquerque, New Mexico, và chi nhánh ở 4 bang khác.
Chương trình nhập cư gây tranh cãi
15h05 chiều 31/10, một chiếc xe bán tải lao vào phần đường dành cho người đi xe đạp và đi bộ ở New York, cán qua nhiều nạn nhân, trước khi đâm vào một xe buýt của trường học đang đỗ gần đó, khiến 8 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.
Nghi phạm vụ đâm xe được xác định là Sayfullo Saipov, người Uzbekistan, nhập cư vào Mỹ năm 2010. Theo nhân viên điều tra, Saipov được cấp thẻ xanh lưu trú hợp pháp qua chương trình bốc thăm ngẫu nhiên và nhập cảnh qua cửa khẩu ở sân bay quốc tế Kennedy.
Trong một cuộc họp chính phủ ngày 1/11, Tổng thống Donald Trump nói nghi phạm Saipov là "đầu mối liên lạc chính cho 23 người khác vào Mỹ". Dù không rõ con số 23 mà ông Trump ám chỉ là những cá nhân nào, dư luận hiểu rằng người có thẻ xanh có thể bảo lãnh cho người thân sang Mỹ.
"Tôi sẽ chấm dứt chương trình này", ông Trump nói trong cuộc họp. "Chúng ta phải làm điều đúng đắn để bảo vệ công dân và làm càng sớm càng tốt".
Chương trình xổ số thẻ xanh, khởi động từ hơn hai thập kỷ trước theo yêu cầu của quốc hội Mỹ, hoạt động dựa trên nguyên tắc đa dạng hóa người nhập cư. Bắt nguồn từ Luật Nhập cư 1965, mục đích ban đầu của chương trình này là giảm số lượng người nhập cư đến từ các quốc gia Tây Âu và ưu tiên hơn cho người nhập cư châu Á và Mỹ Latinh.
Chương trình này lựa chọn ngẫu nhiên người được cấp thẻ xanh từ công dân tất cả quốc gia trên toàn thế giới, trừ những nước có tỷ lệ người nhập cư vào Mỹ cao như Mexico, Trung Quốc và Ấn Độ. Người nộp đơn chỉ cần tốt nghiệp trung học và không bị giới hạn số lần nộp đơn. Tuy nhiên, số lượng người được chọn từ mỗi quốc gia không chiếm quá 7% tổng số người được nhận thẻ xanh mỗi năm.
Chương trình này đã bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích, ngay cả trước vụ đâm xe. Nhiều người cho rằng, những điều kiện dễ dãi của chương trình sẽ tạo ra nguy cơ về an ninh và mở cửa cho lao động tay nghề thấp vào Mỹ.
Phe Cộng hòa cố gắng loại bỏ chương trình xổ số thẻ xanh nhưng luôn vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ đảng Dân chủ. "Tôi luôn và sẽ tiếp tục tin rằng nhập cư là tốt cho nước Mỹ", Thượng nghị sĩ Dân Chủ Chuck Schumer phản đối lập trường của Tổng thống Trump.
An Hồng