Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc hôm nay được trao giải Nobel Hòa bình vì "những nỗ lực đấu tranh với nạn đói và cải thiện điều kiện cho hòa bình ở những khu vực ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò động lực thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột", Ủy ban Nobel Na Uy cho hay.
"Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn thế giới chú ý đến hàng triệu người đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với mối đe dọa từ nạn đói", bà Berit Reiss-Andersen, đồng chủ tịch ủy ban, nói trong lễ công bố giải thưởng ở Oslo.
Được thành lập vào năm 1961, WFP, một tổ chức của Liên Hợp Quốc, đã giúp đỡ cho 97 triệu người năm ngoái, phân phối 15 tỷ suất ăn cho người dân ở 88 quốc gia trong năm 2019.
"Cho dù giao thức ăn bằng trực thăng, trên lưng voi hay lạc đà, WFP tự hào là 'tổ chức nhân đạo hàng đầu' trong một thế giới mà theo ước tính, khoảng 690 triệu người, tức cứ 11 người thì có một người ôm bụng đói khi ngủ", Ủy ban Nobel cho hay.
Tomson Phiri, một phát ngôn viên của WFP, cho biết đây là "khoảnh khắc đáng tự hào" của chương trình. "Một trong những nét đẹp trong các hoạt động của WFP là chúng tôi không chỉ cung cấp thực phẩm cho ngày nay và mai sau, mà chúng tôi còn trang bị kiến thức cho mọi người, những công cụ giúp họ duy trì cuộc sống bền vững cho tương lai", Phiri nói.
Các chuyên gia cho rằng dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong ba thập kỷ qua, mục tiêu xóa nạn đói vào năm 2030 của Liên Hợp Quốc sẽ không đạt được nếu thực trạng hiện nay tiếp diễn. Phụ nữ và trẻ em được đánh giá nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất do nạn đói.
Đây là lần thứ 12 giải Nobel Hòa bình được trao cho một một trong những cơ quan hoặc cá nhân của Liên Hợp Quốc. Lễ trao giải năm nay vào ngày 10/12 ở Oslo dự kiến bị hạn chế quy mô do Covid-19. Giải thưởng bao gồm một huy chương vàng, một bằng chứng nhận và một tấm séc trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,1 triệu USD).
WFP do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thành lập vào năm 1961, có trụ sở chính tại Roma, Italy và hơn 80 văn phòng quốc gia trên thế giới. Chương trình nỗ lực giúp những người không thể sản xuất hoặc có đủ lương thực cho bản thân và gia đình họ.
WFP đến nay là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói. Chương trình cung cấp lương thực trung bình cho khoảng 90 triệu người trên thế giới một năm, trong đó có 58 triệu trẻ em.
Mai Lâm (Theo AFP)