Tại talkshow "Cùng con tìm hiểu chương trình GDPT mới lớp 6 môn Lịch sử và Địa lý" do Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức, cô Trần Mai, giáo viên môn Lịch sử tại trường THPT Chu Văn An và HOCMAI cùng thầy Hoàng Xuân Chinh, giáo viên trường THCS - THPT Vinschool, dạy môn Địa lý tại HOCMAI, giải đáp nhiều băn khoăn của phụ huynh và học sinh
"Không còn là môn học thuộc lòng"
Thầy Hoàng Xuân Chinh cho biết, hầu hết phụ huynh và học sinh nghĩ Lịch sử, Địa lý là môn học thuộc lòng. Tuy nhiên, chương trình mới sẽ mang tính thực tiễn cao hơn, giảm tải kiến thức mang tính hàn lâm và tăng cường các nội dung vận dụng thực tế.
Theo yêu cầu của chương trình mới, trong quá trình học môn Địa lý 6, học sinh có thể hình thành và phát triển một số năng lực cần thiết như tìm hiểu các thông tin địa lý, nhận thức và giải thích những vấn đề địa lý, vận dụng kiến thức vào trong cuộc sống. Ngoài ra, các em còn được trau dồi một số kỹ năng quan trọng như đọc bản đồ, phân tích nhiệt độ lượng mưa, xác định biển và đại dương trên lược đồ thế giới.
Với yêu cầu và nội dung mới, giáo viên cũng thay đổi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp và hiệu quả, giúp học sinh tăng thêm hứng thú với môn học. Theo thầy Chinh, với môn Địa lý, thầy sử dụng một số phương pháp đặc trưng của môn học như khai thác và sử dụng bản đồ thông qua các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh; hướng dẫn học sinh phân tích, đánh giá, tìm hiểu thông tin thông qua các bảng số liệu, báo cáo tổng hợp, tạo điều kiện để các em bày tỏ nhiều quan điểm hơn.
Bên cạnh đó, thầy cũng sử dụng các công cụ có sẵn như tranh, ảnh, video, bài báo, bài phân tích để học sinh có cái nhìn tổng quát, đa dạng, đa chiều về một đối tượng địa lý.
Đồng quan điểm với thầy Chinh, cô Trần Mai cho rằng, nếu giáo viên vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực, sử dụng nhiều công cụ nhằm hỗ trợ tối đa cho quá trình học, các em sẽ có hứng thú và quan tâm hơn tới môn Lịch sử và Địa lý. "Giáo viên sẽ không đơn thuần là người "rót" kiến thức từ trong sách giáo khoa hay các tài liệu tham khảo. Tại chương trình mới, thầy cô đóng vai trò dẫn dắt, định hướng và khơi gợi kiến thức, giúp các em chiếm lĩnh kiến thức, làm chủ tri thức, từ đó hình thành phẩm chất, kỹ năng cần thiết", cô Mai nhấn mạnh.
Trau dồi khả năng vận dụng thực tế
Cô Mai cho biết: "Chương trình mới sẽ thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá". Việc kiểm tra, đánh giá sẽ diễn ra trong cả quá trình học là một học kỳ, năm học, thay vì các bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15, 45 phút như trước đây.
Ví dụ, ở mảng Lịch sử, khi giảng dạy về xã hội nguyên thủy, thay vì kiểm tra học sinh thuộc những gì, cô Mai sẽ định hướng kiến thức, sau đó sử dụng các câu hỏi mở để các em phát triển tư duy: "Trải qua hàng triệu năm, con người đã tiến hoá từ vượn thành người. Vậy trong tương lai, con người có tiến hoá tiếp không?", "Quá trình tiến hóa sẽ diễn ra như thế nào?"...
Từ những câu hỏi này, học sinh sẽ tự tìm tòi, khám phá và nghiên cứu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, viết thành bài luận theo quan điểm của các em.
Thầy Chinh cũng chia sẻ, chương trình mới bổ sung thêm một số chuyên đề gắn liền với thực tiễn đời sống như biến đổi khí hậu, tác động của con người đến thiên nhiên nhằm giúp học sinh vừa có nền tảng kiến thức cơ bản về đất, khí hậu, sinh vật, vừa có ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên. "Khi học những chuyên đề này, học sinh sẽ biết hành động hàng ngày của con người tác động như thế nào đến biến đổi khí hậu và đưa ra giải pháp cho địa phương, cũng như giải pháp cho vấn đề toàn cầu", thầy Chinh nói thêm.
Ngoài ra, để học tốt chương trình GDPT mới môn Lịch sử và Địa lý 6, học sinh nên có phương pháp học tập phù hợp. Theo đó, các em học cách quan sát, phân tích, đánh giá vấn đề, biết sử dụng các thiết bị điện tử, chắt lọc thông tin trên báo, mạng xã hội, phân tích vấn đề thời sự.
Các giáo viên tại HOCMAI ví khối 6 như "gạch nối" giữa hai cấp học là tiểu học và THCS. Hai cấp học này có rất nhiều điểm khác nhau. Cấp 1, học sinh giao tiếp, tương tác chủ yếu với giáo viên chủ nhiệm. Còn cấp 2, các em làm quen với phương pháp giảng dạy của nhiều thầy cô. Theo đó, học sinh cần thời gian để thích ứng với chương trình mới, hình thành kỹ năng tự học, đọc.
Để giúp các em nhanh chóng bắt nhịp với chương trình mới, sự đồng hành của phụ huynh trong giai đoạn này là rất quan trọng. Cha mẹ nên tận dụng khoảng thời gian hè để giúp con làm quen với chương trình GDPT mới thông qua việc nghiên cứu trước sách giáo khoa, cho con tiếp xúc sớm và cung cấp thêm ngữ liệu học, đồng thời tham khảo các khóa học trực tuyến.
Trong đó, khóa Học tốt 6 trên nền tảng hocmai.vn cung cấp đầy đủ nội dung cho học sinh lớp 6. Khoá học bám sát nội dung chương trình mới với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm. Tại đây, giáo viên chú trọng thiết kế các hoạt động học tập đa dạng, kết hợp với phiếu học tập phong phú thuộc nhiều chủ đề khác nhau, vừa giúp học sinh học tập thoải mái, hiệu quả, vừa duy trì tâm thế chủ động, tích cực xuyên suốt mỗi bài học.
Thiên Minh
Ảnh: HOCMAI