Năm 2006, cứu hộ viên 18 tuổi người Anh Graham Buckley đến Cù Lao Chàm, Đà Nẵng tham gia chương trình dạy bơi do Mạng lưới Tình nguyện viên Quốc tế (GVN) tổ chức. Anh sau đó được chuyển đến dạy tiếng Anh cho trẻ em ở trung tâm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, khởi đầu mối lương duyên với mảnh đất cố đô.
Khi trò chuyện với người dân địa phương, Buckley biết được thông tin tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 7.200 em dưới 19 tuổi chết đuối chỉ trong giai đoạn 2005-2006.
Khảo sát do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội công bố năm 2022 cho thấy đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên Việt Nam.
Trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước trong giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, chỉ hơn 30% trẻ em Việt Nam 6-14 tuổi biết bơi.
Rùng mình vì con số "quá nghiêm trọng", Buckley thành lập tổ chức Hue Help và tìm cách liên hệ các các quỹ toàn cầu để kêu gọi tài trợ cho một chương trình dạy bơi nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ Việt Nam đuối nước.
"Việt Nam là vùng đất có nhiều sông nước, nơi trẻ em rất thích chơi đùa ở các vùng nước mở, nhưng tiếc là các em không có cơ hội tiếp cận với những chương trình đào tạo cơ bản về an toàn dưới nước", Buckley, giám đốc Hue Help, nói với VnExpress.

Graham Buckley (đeo kính) hướng dẫn bơi cho một em nhỏ ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Facebook/Hue Help
Sau nhiều năm thảo luận với chính quyền Huế, Hue Help từ năm 2011 bắt đầu cử chuyên gia quốc tế đến dạy bơi cho trẻ em và đào tạo giáo viên thể dục ở các trường địa phương. Toàn bộ các chương trình đào tạo đều miễn phí, nhằm xây dựng một mô hình hiệu quả để tạo "giải pháp bền vững và tác động lâu dài".
Trong đó, đào tạo giáo viên dạy bơi người Việt được cho là yếu tố tạo nên tác động bền vững của Hue Help, bởi sau mỗi dự án, các trường có thể tự triển khai các chương trình giáo dục phòng chống đuối nước. Các giáo viên Việt khi tham gia chương trình sẽ được đào tạo về kỹ năng dạy bơi trong 5 ngày theo tiêu chuẩn quốc tế.
"Mục tiêu hàng đầu của tổ chức trong hơn một thập kỷ qua là tìm cách phát triển nguồn lực sẵn có của địa phương. Chúng tôi cho rằng đây là hướng tiếp cận hợp lý nhất, bởi các giáo viên địa phương có sẵn khả năng sư phạm và mối quan hệ tốt với học sinh, phụ huynh", Buckley giải thích.
Sau khi được đào tạo, các giáo viên này sẽ hướng dẫn cho trẻ em Việt Nam theo giáo trình mà Hue Help xây dựng theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bơi Thế giới. Trong 18 tiết học, các em nhỏ sẽ được học bơi, học về nhận thức, an toàn dưới nước cũng như kỹ năng cứu hộ.
Các tiết học đều được triển khai với nhiều quy tắc an toàn và được Hue Help giám sát chặt chẽ, chủ yếu diễn ra ở những vùng nước mở như ao, hồ, sông, suối, đầm phá hay biển, đảm bảo mực nước "không cao hơn ngực trẻ em". Mỗi nhóm 5 trẻ sẽ có một giáo viên theo dõi.
Hoạt động đào tạo an toàn dưới nước cho giáo viên và học sinh của Hue Help. Video: Facebook/Bơi an toàn - Swimming for Safety
Buckley cho biết mô hình này không tốn nhiều chi phí, phù hợp với nhiều vùng nông thôn. "Đây là mô hình bền vững và rất cần được nhân rộng. Nhiều giáo viên thể dục địa phương nhiệt huyết sau này đã đi khắp toàn quốc để hướng dẫn lại cho các giáo viên khác".
Kể từ khi hoạt động năm 2011, Hue Help đã tham gia huấn luyện bơi cho hơn 14.000 trẻ em Việt Nam, đào tạo hơn 600 giáo viên trên nhiều tỉnh thành, Buckley cho hay.
"Các hoạt động của Hue Help đã góp phần giảm thiểu tình trạng tử nạn ở trẻ em do đuối nước, nhất là vào mùa hè và mùa mưa lũ", UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trên website.
Trong cuộc gặp năm 2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khi đó là ông Nguyễn Dung đã ghi nhận và cảm ơn Hue Help đã có "những hoạt động thiết thực" cho trẻ em ở địa phương, khẳng định chính quyền tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Hue Help triển khai các hoạt động tại tỉnh, trong đó có dự án "Bơi an toàn".
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020 cũng phối hợp với một số tổ chức quốc tế, trong đó có Hue Help, ban hành ấn phẩm phòng chống đuối nước cho trẻ em trong mùa dịch.
"Dù có nhiều bước tiến tích cực, những con số trên vẫn quá ít so với tầm nhìn 'không còn trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam' mà tổ chức đề ra. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm", Buckley nói.

Hue Help tổ chức tập tuấn dạy bơi cho giáo viên ở các cơ sở bảo trợ tại TP. HCM, ngày 9/6. Ảnh: Facebook/Bơi an toàn - Swiming for Safety
Chống đuối nước đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch Quốc gia về Phòng chống Tai nạn, thương tích Trẻ em giai đoạn 2021-2030. Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% trẻ chết đuối vào năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Theo Buckley, đây là một mục tiêu rất lớn, nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu trẻ em Việt được tiếp cận nhiều hơn với các khóa học an toàn. Theo nghiên cứu của WHO, một mô hình tương tự Hue Help ở Bangladesh đã giúp 96% trẻ em nước này thoát nguy cơ đuối nước sau khi tham gia khóa học.
"Những chương trình đào tạo như vậy có thể được xem là loại 'vaccine chống dịch đuối nước'", anh nói, cho hay Hue Help sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức toàn cầu và các bộ ngành Việt Nam để mở rộng quy mô hoạt động lên tầm quốc gia.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển ở Huế, khiến nơi đây trở thành một ví dụ điển hình cho tính hiệu quả của hoạt động dạy bơi, đồng thời đảm bảo cung cấp thiết bị, nguồn lực cho các dự án ở tỉnh thành khác", giám đốc người Anh nêu dự định.
Đức Trung